Nhạc quê hương đang mất điểm trong giới âm nhạc?
Dòng nhạc quê hương một thời ghi dấu ấn trong lòng công chúng nay mất dần ưu thế trước sự chiếm lĩnh của nhạc thị trường. Không nhiều người, đặc biệt là giới trẻ chuộng nghe nhạc quê hương.
Mới nhưng chưa hay
Theo nhạc sĩ (NS) Phan Thuận Thảo (Học viện Âm nhạc Huế), dòng nhạc quê hương là các nhạc phẩm có giai điệu âm nhạc mang âm hưởng âm nhạc dân tộc. Đó là những tác phẩm khí nhạc hoặc thanh nhạc được sáng tác dựa trên nền tảng âm nhạc truyền thống của một vùng miền nào đó. Nội dung của chúng có thể là ca ngợi quê hương, đất nước hay tình yêu đôi lứa, tình mẫu tử…
Ca khúc quê hương hầu như chỉ vang lên trong các dịp kỷ niệm, các liên hoan âm nhạc. Ảnh: Nguyệt Tú
Hiện nay, các dòng nhạc có nguồn gốc từ phương Tây hay dòng nhạc trẻ với tiết tấu sôi động, nhộn nhịp phù hợp với nhịp sống nhanh, hiện đại của giới trẻ đang “lên ngôi”. Dòng nhạc thị trường ngày càng chiếm lĩnh đời sống âm nhạc. Trong khi đó, dòng nhạc quê hương thường có tiết tấu chậm, giai điệu dàn trải, nhiều luyến láy giống với đặc trưng của âm nhạc dân tộc lại chiếm vị thế khá khiêm tốn. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi văn hóa phương Tây đã và đang ảnh hưởng đến mọi ngóc ngách của đời sống.
Tác phẩm mới không ít nhưng dòng nhạc quê hương đang thưa vắng dần trong đời sống âm nhạc. Có chăng, cũng chỉ được vang lên trong các dịp lễ kỷ niệm, các sự kiện văn hóa – chính trị lớn. Đây cũng là thực trạng của ca khúc viết về Huế. Dù sáng tác nhiều, tác phẩm chất lượng không ít nhưng ca khúc của nhạc sĩ Huế hiếm khi có mặt trong đời sống âm nhạc hiện nay. Nhiều tác phẩm đã đạt giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Liên hiệp các Hội VHNT toàn quốc, Hội Âm nhạc tỉnh nhưng rồi cũng… cất vào tủ, không đến được với công chúng. Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Huế, Đài Phát thanh truyền hình Thừa Thiên Huế có chương trình giới thiệu các ca khúc Huế nhưng sức lan tỏa còn quá hạn chế. Số ca khúc được giới thiệu cũng rất ít. Nhiều bài hát, bản nhạc đang nằm im trong ngăn kéo của tác giả, công chúng không biết và chưa được biết tới.
NS Nguyễn Việt cho biết: “Tác phẩm viết ra nhưng làm thế nào đến được với công chúng là cả quá trình gian nan. Ở Huế, giá phối khí, thu âm, cát sê ca sĩ dù rẻ nhất nước nhưng để ra được CD là cả vấn đề. Muốn giới thiệu tác phẩm trên đài truyền hình thì nhạc sĩ phải ra được CD vì đài không có kinh phí dàn dựng. Nếu không có tài trợ, tác phẩm của chúng tôi viết ra cũng chỉ cất vào ngăn kéo”. Điều đó tác động khống ít đến sáng tác.
Không thể phủ nhận một thực tế rằng, dòng nhạc quê hương đang hiếm những bài hay. NS Trầm Tích (Học viện Âm nhạc Huế) nhìn nhận: “Ca khúc sáng tác về quê hương của các NS trẻ trong giai đoạn hiện nay có mới thì chưa hay, có hay thì chưa mới”. Là người trong cuộc, NS trẻ này cho rằng, nếu như giai đoạn trước đây, nhiều NS đã thành danh khi sáng tác ca khúc quê hương thì giai đoạn hiện nay, NS trẻ khó nổi tiếng với thể loại này. Vì thế, đa phần NS trẻ chuyên tâm sáng tác ca khúc phổ thông để tác phẩm dễ được phổ biến. “Ca khúc quê hương là thể loại ca sĩ ít chọn lựa để ra album, lại càng hiếm thí sinh hát trong các cuộc thi có uy tín như Sao Mai, Tiếng hát truyền hình, càng không thấy ca khúc quê hương xuất hiện ở Vietnam Idol, The voice, có chăng chỉ xuất hiện trong các cuộc liên hoan ca múa nhạc các đoàn chuyên nghiệp toàn quốc hoặc các tỉnh, thành”, NS Trầm Tích cho hay.
Tiếp cận giới trẻ
Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Nhiều người bức xúc với dòng nhạc trẻ nhưng tôi nghĩ nên dung hòa. Chúng ta không nên quá buồn và cũng không quá vội vã. Nó là dòng chảy. Chúng ta cũng không quá hoang tưởng hướng thẩm mỹ của giới trẻ, đưa nó vào quỹ đạo. Điều đó là khó. Nếu muốn lớp trẻ nghe nhạc mình thì mình nên thay đổi, phải trẻ như họ, yêu họ, thương họ, hiểu họ, nghe họ và gần gũi với họ. Phải nói được giọng điệu của lớp trẻ bằng tâm hồn và kỹ năng của mình. Tuy nhiên, như vậy không phải là bắt chước theo lớp trẻ. Mình không đánh mất mình mà có phương thức tiếp cận với lớp trẻ, làm sao cho lớp trẻ yêu âm nhạc của mình”.
Thực trạng này khiến giới NS, nhất là những NS tên tuổi như: Văn Dung, Phó Đức Phương, Trần Long Ẩn, An Thuyên – thế hệ NS tiền bối đã có rất nhiều ca khúc hay viết về quê hương không khỏi âu lo. Theo họ, âm nhạc vận động theo đời sống nên đừng bắt thế hệ trẻ phải theo mình mà mình phải yêu, hiểu và đồng hành cùng lớp trẻ. Có như vậy, người sáng tác mới viết được ca khúc vừa giữ được cái riêng của mình nhưng vẫn tiếp cận được với giới trẻ. NS Văn Dung cho rằng: “Âm nhạc từ đời sống, đời sống luôn vận động nên âm nhạc vận động theo đời sống. Người sáng tác phải viết lên những cung bậc phù hợp với yêu cầu mới. Vì thế, đừng băn khoăn mà hãy chấp nhận sự tồn tại của các dòng nhạc vì đó là xu hướng. Hãy sáng tác ca khúc thể hiện được giọng nói của thời đại nhưng vẫn mang hồn cốt dân tộc”.
NS Thiếu Hoa thẳng thắn: “Các bài hát quê hương không được phổ biến, công chúng chưa chấp nhận vì nó chưa hay, chưa hấp dẫn”. Người NS phải nhìn cuộc sống đa dạng hơn, cảm nhận về một vùng đất bằng cái nhìn mới và viết bằng giọng điệu mới. “Đề tài về quê hương vẫn luôn mới nếu như người NS có tài và biết luyện tài. Cùng một ngọn cỏ, bông hoa nhưng người có tài sẽ biết thổi hồn vào nó. Nếu viết bằng tất cả trái tim, tâm hồn cộng thêm cái tài của người nghệ sĩ thì sẽ có tác phẩm hay”, NS An Thuyên đúc kết.
Thế hệ NS đi trước phải góp phần mình vào dòng chảy âm nhạc hiện nay, có trách nhiệm với sự phát triển của âm nhạc. Đem tâm huyết, tài năng vào tác phẩm để ca khúc quê hương đọng lại trong lòng lớp trẻ, khi ấy, các NS tiền bối chính là chiếc cầu nối giữa truyền thống với lớp trẻ, dẫn dắt cho lớp trẻ hiểu và yêu dòng nhạc quê hương.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét