Đường Alexandre de Rhodes đang được TP.HCM xem xét để trở thành Con đường âm nhạc - Ảnh: H.THUẬN |
Trong thời gian chờ con đường thành hình, mời bạn đọc cùng tham khảo ý kiến của một số nghệ sĩ về dự án thú vị này.
* NSƯT Thanh Thúy:
cần diễn ra mỗi ngày
Anh chị em nghệ sĩ chúng tôi rất thích và ủng hộ chủ trương thực hiện Con đường âm nhạc cho TP. Lẽ ra con đường này phải có từ lâu bởi TP.HCM là một thành phố lớn, người dân yêu mến nghệ thuật với phong trào văn nghệ rất cao.
Theo tôi, đường Alexandre de Rhodes hay Hàn Thuyên khá thích hợp để trở thành Con đường âm nhạc. Tuy nhiên nếu đã gọi là Con đường âm nhạc thì hoạt động âm nhạc phải diễn ra mỗi ngày và thường xuyên, như đường sách vậy. Nếu chỉ cuối tuần mới “họp chợ” thì sẽ giống điểm hẹn âm nhạc hơn là con đường.
Tôi cũng có dịp đến một vài con đường âm nhạc ở châu Âu thấy người ta chọn những con phố nhỏ hữu tình, là nơi cư ngụ của một vài nghệ sĩ danh tiếng. Ở đó, không chỉ có biểu diễn âm nhạc mà còn có những buổi thảo luận về âm nhạc, trao đổi hay buôn bán nhạc cụ, sản phẩm âm nhạc...
Trên con đường này, để tạo được sức hút lớn, ngoài các đội nhóm, những nghệ sĩ đường phố, những nghệ sĩ trẻ... thi thoảng nên có các nghệ sĩ danh tiếng ghé qua biểu diễn, giao lưu, trò chuyện.
* Nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn: có thể là
Con đường văn hóa
Đây thật sự là một tín hiệu mừng cho các nghệ sĩ và là một nét mở cho các hoạt động văn hóa nghệ thuật của TP. Theo tôi, khu vực đường Alexandre de Rhodes khá phù hợp bởi tầm nhìn ở đây thoáng, không gian đẹp với công viên kề bên rất thuận tiện cho nhiều hoạt động âm nhạc khác nhau.
Tôi vẫn nghĩ đây có thể là Con đường văn hóa thay vì chỉ là Con đường âm nhạc. Ở Pháp chẳng hạn, có nhiều con đường kiểu này với âm nhạc và hội họa kết hợp. Dĩ nhiên, họ hoạt động cả ngày, suốt tuần với rất nhiều hoạt động triển lãm, trình diễn, buôn bán, trao đổi, giao lưu, thảo luận...
Khi đã trở thành điểm hẹn văn hóa thì con đường này không chỉ thu hút người dân TP, trong nước mà còn là điểm đến của du khách và nghệ sĩ quốc tế. Vậy nên, Con đường âm nhạc không chỉ giới thiệu các nét văn hóa đặc trưng của một quốc gia hay vùng miền mà phải hội nhập, giao thoa vui vẻ, cởi mở.
* Ca sĩ Hà Anh Tuấn:
đừng dừng ở phong trào
Khi phố đi bộ Nguyễn Huệ vừa mở, tôi rất thích thú khi thấy các bạn trẻ, các nghệ sĩ underground... ra đó đàn hát. Vậy nên khi chính quyền TP có ý định quy hoạch một Con đường âm nhạc có lẽ không ai không ủng hộ.
Điều đáng quan tâm là sẽ phát huy hết nét đẹp của Con đường âm nhạc này thế nào cho đừng dừng ở chữ “phong trào”. Tôi được biết chính quyền dự định để Nhà văn hóa Sinh viên điều phối các hoạt động biểu diễn trên con đường này.
Nhà văn hóa Sinh viên cũng cho biết đã chuẩn bị các CLB, đội nhóm, nghệ sĩ... trình diễn. Nếu như vậy e rằng chưa đủ. Các CLB đội nhóm sinh viên có thể là bước đầu, nhưng sau đó cần có cơ chế cho bất kỳ ai yêu âm nhạc, ca hát đều có thể tham gia.
Theo nhà nghiên cứu lịch sử - văn hóa TS Nguyễn Nhã, con đường âm nhạc nên có hoạt động trình diễn các loại hình âm nhạc dân tộc để quảng bá văn hóa đất nước đến du khách nước ngoài. Bên cạnh các hoạt động trình diễn, trên tuyến đường này có thể kinh doanh các nhạc cụ, sản phẩm âm nhạc,…để du khách làm quà lưu niệm.
“Phải tìm một vị trí phù hợp sao cho có đủ sự yên tĩnh, đủ không gian cho hoạt động trình diễn, giao lưu và không làm ảnh hưởng tiếng ồn đến xung quanh”, ông Nhã góp ý.
ThS Nguyễn Thu Thủy (Khoa Du lịch học - giám đốc Công ty dịch vụ khoa học và du lịch thuộc Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG Hà Nội) cho biết tại Nhật Bản, đường âm nhạc là con đường được thiết kế đặc biệt với nhiều rãnh có độ nông sâu khác nhau nên khi xe chạy với một tốc độ nhất định sẽ tạo ra âm thanh.
Trong khi đó, tại Anh, đường âm nhạc là tuyến đường có truyền thống mua bán các loại nhạc cụ.
Tại các thành phố lớn khác, người ta không quy hoạch rõ ràng một tuyến đường âm nhạc nào. Thay vào đó, tại các quảng trường, đường lớn, du khách tập trung về đây vì có nhiều hoạt động nghệ thuật đường phố (ngoài chơi nhạc còn có ảo thuật, xiếc,…).
Do người nước ngoài tiếp cận với nghệ thuật từ rất sớm nên “tính nghệ sĩ” trong họ cũng rất cao, chỉ cần một người nhún nhảy theo nhạc thì có thể vài giây sau cả quảng trường cũng nhún nhảy theo.
Tại nước ta, việc quy hoạch tuyến đường âm nhạc phải dựa trên tính tổng thể và sự liên kết với những trục đường độc đáo khác như đường sách, phố đi bộ thì mới phát huy hiệu quả về du lịch.
TP cần điều tra, nghiên cứu nhu cầu của du khách và mong muốn, nguyện vọng của người dân - nơi dự kiến sẽ hình thành tuyến đường âm nhạc.
|
* Theo bà Nguyễn Thị Thu Hường - phó chủ tịch UBND Q.1, TP.HCM, Con đường âm nhạc về hình thức là một dạng kết nối với đường sách Nguyễn Văn Bình. Trước mắt, quận sẽ đề xuất TP cho làm thí điểm vào dịp cuối tuần, khoảng 2-3 tiếng vào buổi sáng.
Trung tâm văn hóa Q.1 đã phối hợp với Nhà văn hóa Sinh viên chuẩn bị để các hội nhóm, câu lạc bộ của Nhà văn hóa Sinh viên - với chất “trẻ” của mình - sẽ là những nghệ sĩ đầu tiên biểu diễn ở Con đường âm nhạc. (Q.N ghi)
* Được lắp đặt từ năm 2011 để phục vụ người dân và du khách trong dịp Lễ hội trình diễn pháo hoa, hệ thống âm thanh phát nhạc trên hai tuyến đường Bạch Đằng (quận Hải Châu) và Trần Hưng Đạo (quận Sơn Trà) được kỳ vọng sẽ trở thành “con đường âm nhạc” của TP. Đà Nẵng.
Tuy nhiên, theo nhiều người dân Đà Nẵng, việc bố trí hệ thống loa ngoài trời mà không được che chắn kĩ làm âm thanh “lúc có lúc không”. Bà Kim Oanh (quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng) cho biết, trên đường Bạch Đằng, loa phát nhạc quá thưa, một đoạn dài mới có một cái nên nghe cũng chập chờn, đứt quãng.
Theo anh Bùi Minh Thành (quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng), hệ thống bài hát, bản nhạc còn đơn điệu, dễ nhàm chán. (HUỲNH HÀ)
|
0 nhận xét:
Đăng nhận xét