Trung tâm âm nhạc Hoàng Gia - Ngôi Sao Nhỏ
Jazz như một lối sống
Bài này tôi viết một trong những bài hát mà tôi yêu thích nhất. Yêu thích đến nỗi tôi quyết định dịch sang tiếng Việt, dịch thật sát nghĩa, nhưng phải cố gắng giữ được vẻ đẹp của nó. Và quan trọng nhất, phải dịch để hát được - hát một cách tự nhiên - với vẻ đẹp giản dị của nó trong nguyên bản. Nhưng, vì đó là một bài hát theo phong cách nhạc Jazz, nên trước hết phải nói đôi điều về thể loại nhạc này.
Trong những đóng góp của người da đen vào văn hóa Hoa Kỳ, không gì có thể sánh được với âm nhạc. Mà âm nhạc thì trước hết là nhạc Jazz.
Nói thế không phải để hạ thấp thành tựu của các ngành nghệ thuật khác, như văn học chẳng hạn. Phần lớn chúng ta đều nghe tên nhà văn đoạt giải Nobel Toni Morrison, đến W.E.B Du Bois, và đặc biệt là các tác giả của Harlem Renaissance (thời Phục Hưng Harlem, thập niên 1920), như Jean Toomer, Zora Neale Hurston hay Langston Hughes. Nhưng ánh sáng chói lòa của Harlem Renaissance trước hết là ở âm nhạc, đặc biệt là nhạc Jazz, đến mức F. Scott Fitzgerald, tác giả cuốn The Great Gasby (Gasby vĩ đại), phải gọi đó là Thời đại Jazz..
Tuy nhiên, Jazz lại là thể loại rất khó định nghĩa. Những đặc điểm thường được người ta đưa ra khi nói về Jazz, như ứng tác, đảo phách, có nốt swing hay blue... thật ra cũng có thể thấy ở các thể loại nhạc khác. Vì thế, đôi khi người ta nói về Jazz như nói về một phong cách biểu diễn hơn là một thể loại riêng biệt.
Tuy nhiên, có một điều chắc chắn: Jazz là sản phẩm của văn hóa Mỹ gốc Phi. Với rất đông người Mỹ da trắng, biểu tượng của Harlem Renaissance là thứ nhạc Jazz đến từ những bordellos (nhà thổ) khu Storyville nổi tiếng ở New Orlean.
Đầu tiên, nó được biết đến nhờ ban nhạc Original Dixieland Jass và sau đó là các nhạc sĩ da đen - họ kéo nhau hòa vào dòng người đổ lên miền bắc kiếm việc làm tại các công xưởng phục vụ chiến tranh. Chính họ đã đem Jazz đến với công chúng rộng rãi. Rất nhanh chóng, thứ nhạc nóng hổi sức sống, thô ráp nhưng sinh động và vô cùng ngẫu hứng này tràn khắp nước Mỹ như một cơn bão, đem đến một không khí mới hừng hực đam mê sáng tạo.
Bìa đĩa đơn What a Wonderful World (1967).
Jazz thấm vào thơ của Vachel Lindsay, Carl Sandburg và E. E. Cummings; tiềm ẩn trong tính cách các anh chàng công tử và những ả phất phơ trong tiểu thuyết của F. Scott Fitzgerald; hóa thành nhịp điệu trong tiểu thuyết của John Dos Passos.
Nhưng Jazz tạo nên cơn nhiệt hứng trước hết là đối với công chúng. Họ đến chật ních các nhà hát ở Broadway và những đôi vợ chồng chung niềm đam mê sẵn sàng bất chấp mọi cấm đoán để thức thâu đêm với các thần tượng nghệ thuật như Joe "King" Oliver, Fletcher Henderson, Louis Amstrong, Duke Ellington...
Một trải nghiệm nhạc Jazz ngoài trời
Tôi đã được trải nghiệm niềm đam mê ấy trong một đêm không bao giờ quên được ở Chicago. Đêm Thứ bảy, ngày 30 tháng 8 năm 2003, chân ướt chân ráo đến Hoa Kỳ, tôi phần nào cảm nhận được cái không khí sống động của Jazz ở Grant Park, Chicago.
Đến hôm nay tôi vẫn còn cảm thấy nóng hổi không khí lạ lùng của nó - Annual Chicago Jazz Festival (Liên hoan Jazz hằng năm của Chicago). Năm ấy tròn 27 tuổi, Liên hoan Jazz hằng năm của Chicago được coi là một trong những liên hoan nhạc Jazz lớn và nổi tiếng nhất thế giới còn sót lại.
Con nhớ, khi đó vụ tấn công tòa tháp đôi ở New York còn nóng hổi. Trước khi đến nhạc hội, tôi không khỏi thoáng ý nghĩ, liệu ban tổ chức có một sự đề phòng chu đáo cần thiết hay không khi khủng bố đang là vấn đề ám ảnh của nhân loại. Nhưng nỗi lo của tôi nhanh chóng biến đi - đó thực sự là một ngày hội.
Hàng ngàn người tràn ngập trong một công viên rộng lớn, một phía là đại lộ với một dòng sông xe hơi bất tận, hai phía kia là những tòa nhà vươn cao trên nền trời vô cùng ngoạn mục. Chicago là quê hương của sky-scrapers và cho đến nay vẫn là nơi trú ngụ của Sears Tower, một trong những tòa nhà cao nhất thế giới.
Thoạt nhìn, sự đông đúc của Liên hoan nhạc Jazz Chicago có nhiều nét giống với những lễ hội của ta, như Hội Quan họ Bắc Ninh, chẳng hạn. Thì cũng hát, cũng người. Nhưng rồi càng hòa vào dòng người, tôi thấy càng có nhiều điểm khác. Thứ nhất là bạn không hề bị quấy rầy bởi đủ thứ hàng quán, những lời mời chào. Thứ hai, đó là trình độ biểu diễn. Những nghệ sĩ ở đây thực sự là những nghệ sĩ bậc thầy và không khí đậm đặc chất Jazz, đến mức bạn không thể hình dung giữa chừng lại lẫn vào một bài hát lai căng, như chúng ta vẫn được nghe Hotel California lẫn với Người ơi người ở đừng về ở Hội Lim.
Nhưng đó vẫn chưa phải là ấn tượng mạnh mẽ nhất. Mạnh mẽ nhất, đó là cảnh hàng trăm cặp vợ chồng nằm hoặc ngồi bên nhau trên cỏ, không một sự va chạm, không một lời cãi cọ. Thậm chí còn hơn cả sự tôn trọng lẫn nhau, đó là một lẽ tự nhiên. Họ nằm đó, bên nhau, trong tình yêu, âm nhạc và gió mát từ hồ Michigan thổi đến. Nhìn họ, tôi chợt hiểu ra thật nhiều điều mới mẻ.
Cách đây tám mươi năm, sau biết bao đau khổ loạn lạc vì chiến tranh, sau những bi kịch chia rẽ giai cấp và chủng tộc, khi người dân Mỹ bỗng nhận ra cái hư ảo và bất trắc của cuộc sống, Jazz đã trở thành chiếc cầu nối mọi thành viên trong xã hội. Jazz khởi đầu cho một lối sống mới. Và trên thực tế nó đã nâng cao địa vị của người da đen trong xã hội Mỹ nhiều hơn bất cứ đạo luật nào.
Âm nhạc, đặc biệt là nhạc không lời, cho phép con người vượt qua những biên giới ngôn ngữ, chính trị và chủng tộc để đến với nhau. (Có lẽ chính vì thế mà ngày xưa Khổng Tử rất đề cao âm nhạc, còn Plato thì coi âm nhạc là môn học quan trọng nhất để đào tạo công dân cho nhà nước lý tưởng của ông?).
Những ý nghĩ đó đến với tôi lúc dùng dằng "giã bạn". Normal, nơi tôi đang làm luận án tiến sĩ, cách Chicago ba tiếng xe hơi, còn lễ hội của họ kéo dài những bốn ngày. Ra về mà trong đầu tôi văng vẳng giọng hát vô song của Louis Amstrong với giai điệu bất hủ What a wonderful world!
Cuộc đời sao đẹp thế!
“Cuộc đời sao đẹp thế!” là dịch tên bài hát What a Wonderful World của Bob Thiele và George David Weiss. Ca sĩ da đen, người đồng thời nghệ sĩ kèn trumpet và nhạc sĩ, Louis Armstrong huyền thoại (1901-1971), là người đầu tiên thu âm và phát hành bài hát vào năm 1967. Thật đáng ngưỡng mộ, khi đó ông đã gần 67 tuổi. Ngay lập tức, nó đứng đầu bảng xếp hạng đĩa đơn ở Anh và nằm trong danh sách những bài hit của nhiều nước châu Âu.
Louis Armstrong lúc sinh thời. (Ảnh: Biography)
What a Wonderful World có giai điệu và ca từ tuyệt hay nhưng cũng cực kỳ giản dị, với niềm tin yêu cuộc sống toát lên từ những hình ảnh và âm thanh gần gũi:
Nhìn cành hồng đỏ thắm giữa đám lá non
Những đóa hoa thơm, nở cho tôi cho bạn
Tôi bâng khuâng nghe trong tim
Ôi cuộc đời sao đẹp thế!
Nhìn màu trời thật xanh, và sắc trắng đám mây
Ngày ấm nắng sớm mai, rồi đêm thiêng liêng về
Tôi bâng khuâng nghe trong tim
Ôi cuộc đời thật đáng yêu!
Những đóa hoa thơm, nở cho tôi cho bạn
Tôi bâng khuâng nghe trong tim
Ôi cuộc đời sao đẹp thế!
Nhìn màu trời thật xanh, và sắc trắng đám mây
Ngày ấm nắng sớm mai, rồi đêm thiêng liêng về
Tôi bâng khuâng nghe trong tim
Ôi cuộc đời thật đáng yêu!
Nhạc sĩ nhìn thấy niềm vui, vẻ đẹp không chỉ trong những sắc cầu vồng mà cả trên gương mặt những người qua đường. Và đoạn điệp khúc thực sự gây xúc động khi nhạc sĩ nhận ra rằng những lời chào dân dã thực ra muốn nói rằng “Tôi yêu người”:
Cầu vồng lung linh bao nhiêu sắc màu,
Rực rỡ phía chân trời xa
Rực rỡ trên bao nhiêu khuôn mặt
Của những ai đi ngang qua
Bạn bè cũ nắm tay nhau,
Lời chào nhau “Bác sang chơi"
Muốn nói không thôi: "Tôi yêu người".
Rực rỡ phía chân trời xa
Rực rỡ trên bao nhiêu khuôn mặt
Của những ai đi ngang qua
Bạn bè cũ nắm tay nhau,
Lời chào nhau “Bác sang chơi"
Muốn nói không thôi: "Tôi yêu người".
Niềm vui đó, niềm lạc quan đó, và chính cuộc đời này, sẽ tiếp tục với bầy trẻ nhỏ:
Nhà ai bầy trẻ khóc, rồi chúng sẽ lớn khôn
Sẽ biết hơn tôi, nhiều hơn tôi bao điều
Tôi bâng khuâng nghe trong tim,
Ôi cuộc đời sao đẹp thế!
Yeah, chợt nói thầm trong lòng,
Ôi cuộc đời thật đáng yêu.
Sẽ biết hơn tôi, nhiều hơn tôi bao điều
Tôi bâng khuâng nghe trong tim,
Ôi cuộc đời sao đẹp thế!
Yeah, chợt nói thầm trong lòng,
Ôi cuộc đời thật đáng yêu.
Để thấy hết chiều sâu tư tưởng của bài hát, cần phải hiểu bối cảnh ra đời của nó. Trên thế giới, Chiến tranh Lạnh đang ngày một căng thẳng sau cuộc khủng hoảng tên lửa Carribe (1962).
Chiến tranh Việt Nam đang ngày một leo thang, tiến dần đến đỉnh điểm của nó vào năm 1968. Trong lòng nước Mỹ, mâu thuẫn xã hội, đặc biệt là mâu thuẫn sắc tộc, ngày càng sâu sắc, dẫn đến phong trào đòi quyền tự do dân sự sôi sục và phong trào sinh viên, mà đỉnh điểm cũng là năm 1968, với sự kiện Martin Luther King, Jr. bị ám sát. Có nhận thức rõ bối cảnh đó, chúng ta mới thấy âm điệu lạc quan của bài hát đáng trân trọng đến nhường nào.
Ở Mỹ, thoạt đầu bài hát không được đánh giá cao lắm, nhưng nó dần dần chinh phục một lượng người hâm mộ ngày càng đông đảo. Đến cuối thập niên 1970, nó đã trở thành một tác phẩm kinh điển.
Năm 1987, What a Wonderful World được sử dụng trong bộ phim nổi tiếng Good Morning, Vietnam của đạo diễn Barry Levinson. Cho đến nay nó đã được nhiều nghệ sĩ nổi tiếng trình bày lại và vẫn là một trong những bài hát nổi tiếng nhất trong lịch sử nhạc Jazz.
Theo Ngô Tự Lập (An ninh Thế giới)
HỆ THỐNG TRUNG TÂM ÂM NHẠC HOÀNG GIA NGÔI SAO NHỎ
---------------------------------------------------------------------------------
Trụ sở : 61 Đường D5, Phường 25, Quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh
Quận 2: 1511 Đường Nguyễn Hoàng, Phường An Phú, Quận 2, TP HCM
Web: www.amnhachoanggia.edu.vn
Email: amnhachoanggia@gmail.com
Hotline: 0989731783 - 0902641618
0 nhận xét:
Đăng nhận xét