Chào Mừng Bạn Đến Với "Trung Tâm Đào Tạo Âm Nhạc & Nghệ Thuật Hoàng Gia" Điểm đến của mọi người yêu thích âm nhạc và nghệ thuật, nơi đào tạo và huấn luyện những tài năng nhí phát triển nghệ thuật và âm nhạc - Hotline : 0902641618

Thứ Ba, 30 tháng 8, 2016

6 lợi ích của việc cho bé học nhạc

Việc cho trẻ đi học nhạc ngày càng phổ biến bởi những lợi ích mà âm nhạc mang lại cho sự phát triển trí tuệ và kỹ năng sống của trẻ nhỏ.
Những lợi ích cụ thể dưới đây sẽ khiến bạn nhanh chóng tìm ngay một lớp học cho trẻ. Có thể con bạn sẽ không trở thành một Beethoven thứ hai nhưng âm nhạc giúp trẻ học toán nhanh hơn, học được cách cư xử thân thiện hơn nhờ những buổi học và trình diễn tập thể.
1. Nâng cao kỹ năng học thuật
Toán học và âm nhạc có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Bằng cách hiểu được nhịp, giai điệu và các gam, trẻ sẽ được tiếp xúc với việc chia và tạo phân số (khi trẻ phải gõ nhịp). Âm nhạc giúp bé hiểu sự ứng dụng của môn toán và thấy môn học này gần gũi hơn.
Khi trẻ lớn hơn, các em sẽ bắt đầu học thuộc lòng các bài hát. Điều này sẽ rèn luyện trí nhớ ngắn hạn và sau đó là trí nhớ dài hạn của trẻ. Để đánh được các bài hát, trẻ phải ghi nhớ cách tạo ra các âm thanh đó trên nhạc cụ. Điều đó giúp rèn luyện trí não của trẻ.
Các buổi học về nhạc cụ sẽ giới thiệu cho trẻ về vật lý cơ bản. Khi trẻ gảy dây dàn ghi ta hoặc vĩ cầm, trẻ học được rằng độ rung của dây nếu kết hợp hài hòa sẽ tạo ra âm thanh nghe hay hơn. Thậm chí những nhạc cụ không dây như trống cũng cho các trẻ lớn hơn có cơ hội khám phá những nguyên tắc khoa học cơ bản này.
2. Phát triển kỹ năng thể chất

Sử dụng nhạc cụ giúp trẻ phát triển kỹ năng phối hợp và vận động của bàn tay, cánh tay và chân. Những nhạc cụ sử dụng bộ gõ rất tuyệt cho những bé nhiều năng lượng, ưu vận động. Các loại nhạc cụ sử dụng dây hoặc phím như ghi ta, vĩ cầm và dương cầm yêu cầu sử dụng đồng thời những cử chỉ khác nhau của tay trái và phải. Điều đó giống như việc bạn vỗ một tay lên đầu và một tay xoa lên bụng cùng lúc. Việc tăng cường sự kết hợp các điệu bộ của tay, chân và việc căn ke thời gian để chuyển các gam trong âm nhạc là tiền đề cho những sở thích đối với nhảy múa và thể thao ở trẻ.

3. Nuôi dưỡng kỹ năng xã hội
Các lớp học nhóm yêu cầu sự tương tác và giao tiếp giữa các thành viên với nhau, điều này hình thành kỹ năng làm việc nhóm vì trẻ phải cộng tác với nhau để tạo ra những nhịp mạnh dần hoặc nhanh dần khi chơi tập thể. Nếu trẻ chơi nhạc cụ của mình quá to hoặc quá nhanh, trẻ sẽ thấy cần điều chỉnh lại. Điều vô cùng quan trọng là trẻ sẽ biết và hiểu về vai trò cá nhân trong một tập thể. Tại lớp học nhạc, giáo viên sẽ chia nhóm và phân công mỗi em một nhiệm vụ. Các trẻ sẽ chơi nhạc cụ của trẻ để hướng tới mục tiêu chung của nhóm mình. Trẻ sẽ học được nhiều loại kinh nghiệm từ một xã hội thu nhỏ như tương tác nhóm và giải quyết vấn đề.
4. Cải thiện tính kỷ luật và tính kiên nhẫn

Học nhạc dạy trẻ trì hoãn nhu cầu thỏa mãn bản thân. Ví dụ, trước khi học chơi đàn vĩ cầm, trẻ phải học cách cầm đàn, cầm vĩ, cách để đàn trên cơ thể. Để chơi một nhạc cụ, điều đó đòi hỏi trẻ phải dành nhiều giờ, nhiều tháng và thậm chí nhiều năm để luyện tập trước khi đạt đến mục tiêu cụ thể như trình diễn trong một ban nhạc hoặc đánh một bản độc tấu.
Những bài học và luyện tập ở nhà đòi hỏi ở trẻ sự chuyên tâm. Các bài học nhóm dạy trẻ chơi trong tập thể. Điều này cũng cần sự kiên nhẫn vì trẻ sẽ phải chờ đến lượt để được chơi phần mình. Trong khi chờ đợi và nghe các bạn cùng lớp chơi, trẻ học cách thể hiện sự tôn trọng với người khác bằng cách ngồi yên, giữ trật tự và chú ý lắng nghe.
5. Thúc đẩy sự tự tin

Những buổi học là một cộng đồng mà ở đó trẻ học cách chấp nhận những đánh giá mang tính chất xây dựng. Trẻ học cách biến những phản hồi tiêu cực thành những thay đổi tích cực thông qua việc rèn luyện. Lớp học nhóm có thể giúp trẻ hiểu rằng không ai thâm chí chính trẻ là hoàn hảo và mọi thành viên trong lớp đều phải cố gắng. Việc thể hiện bản thân trước đám đông là một kỹ năng quan trọng. Tất nhiên là một khi trẻ đủ tiến bộ, trẻ sẽ sở hữu những kỹ năng âm nhạc giúp trẻ nổi bật và là cơ hội cho trẻ thể hiện bản thân.

6. Mang đến cho trẻ những nền văn hóa khác nhau
Thông qua việc học và chơi nhiều loại nhạc cụ, trẻ có thể khám phá ra rằng âm nhạc đóng vai trò quan trọng trong các nền văn hóa. Ví dụ đàn vĩ cầm có nguồn gốc từ nước Ý nhưng công lao phổ biến loại nhạc cụ này thuộc về những nhạc sỹ người Đức và Áo. Những nhạc cụ đa năng như vĩ cầm và dương cầm có thể đi với nhiều phong cách trình diễn như nhạc cổ điển và jazz… Cho trẻ làm quen với những nền văn hóa khác nhau từ khi còn bé rất quan trọng vì điều này cổ vũ cho tư duy mở của trẻ về thế giới và văn hóa truyền thống.

Những điều cần lưu ý cho các mẹ khi chọn nhạc cụ cho trẻ:
Chọn nhạc cụ cho trẻ phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Đây là danh sách những câu hỏi mà bạn cần lưu ý trước mua một nhạc cụ cho trẻ học chơi.
- Trẻ có hứng thú với nhạc cụ đó không? Trẻ có thích âm thanh và cảm nhận do nhạc cụ đó mang lại không?
- Nhạc cụ đó có quá khó với trẻ không?
- Tính khí và khí chất của trẻ phù hợp với nhạc cụ nào?
- Bạn có đủ kinh tế để mua và sau này là bảo dưỡng nhạc cụ đó không?
- Bạn có thích âm thanh của loại nhạc cụ mà trẻ thích và tập hàng tiếng đồng hồ ở nhà!
- Con bạn có quan tâm tới phong cách âm nhạc cụ thể nào không?
Các chuyên gia không cho rằng nhạc cụ nào là tốt nhất cho trẻ nhưng nhiều giáo viên dạy nhạc đề cao việc lựa chọn dương cầm, trống, ghi ta, vĩ cầm và sáo.

Nguồn: http://dep.com.vn/

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Liên Hệ [x]
hotline090 264 1618