Chào Mừng Bạn Đến Với "Trung Tâm Đào Tạo Âm Nhạc & Nghệ Thuật Hoàng Gia" Điểm đến của mọi người yêu thích âm nhạc và nghệ thuật, nơi đào tạo và huấn luyện những tài năng nhí phát triển nghệ thuật và âm nhạc - Hotline : 0902641618

Thứ Ba, 22 tháng 3, 2016

Âm nhạc trong cuộc sống của chúng ta

Âm nhạc là nghệ thuật âm thanh được xếp là loại hình nghệ thuật thời gian. Những dòng âm thanh nối tiếp nhau xuất hiện theo thời gian để biểu hiện tất cả những gì trong cuộc sống nội tâm con người như niềm vui sướng và nỗi đau thương; cuộc đấu tranh sống còn và những tâm tư thầm kín; những khát vọng... và ước mơ sáng lạn về hạnh phúc, tương lai. 
Âm nhạc có vai trò rất lớn trong đời sống mỗi con người, mỗi bài hát, bản nhạc gợi bao điều mới lạ, dẫn dắt tư duy tới sự tưởng tượng và sự rung cảm phong phú. âm nhạc đã làm giàu tâm hồn và trí tuệ của của con người thông qua các âm thanh đặc trưng, nghĩa là những âm thanh đã được tổ chức một cách chặt chẽ, tạo thành hệ thống có tính logic bằng Cao độ (là sự trầm bổng, cao, thấp), Trường độ (là sự ngân nga, nhanh chậm), Cường độ (là sự nhấn nhá, mạnh, nhẹ) và bằng Màu sắc để hình thành lên một giai điệu tinh tế, làm rung cảm người thưởng thức.
Tác phẩm âm nhạc có 2 phương thức biểu hiện chính đó là biểu hiện bằng giọng người (Thanh nhạc) và bằng các loại nhạc cụ (Khí nhạc). Thanh nhạc là những tác phẩm được biểu diễn bằng giọng người, là loại hình xuất hiện sớm nhất của nghệ thuật âm nhạc. Nó ra đời cùng với tiếng nói khi con người biết dùng ngôn ngữ làm phương tiện giao lưu, tiếp xúc. Tất cả các tác phẩm thuộc loại hình thanh nhạc (ca khúc - hợp xướng), từ nhỏ đến lớn, đơn giản hay phức tạp đều gắn bó chặt chẽ với tiếng nói và ngữ điệu tiếng nói. Bởi vậy, nó đã được cụ thể hóa hình tượng âm nhạc bằng ngôn ngữ. Còn tác phẩm khí nhạc được hiểu như thế nào? Chúng ta hãy tạm hiểu tác phẩm khí nhạc là một sáng tác âm nhạc không có ca từ, phương tiện biểu hiện chính là các nhạc cụ. Các nhạc cụ này có thể chơi đơn lẻ (độc tấu) hay chơi theo nhóm, tập thể (hòa tấu - giao hưởng). Thế nên những bản nhạc “không lời” này có lẽ là trừu tượng, gây cảm giác và sự liên tưởng hơn so với ca khúc, nhưng nó vẫn là sự yêu thích thưởng thức khi con người muốn thư thái, giảm áp lực trong công việc, làm dịu nỗi đau, để suy ngẫm sâu sắc về cuộc sống, về thiên nhiên, và sự nhận thức tính chất bên trong cả một thời đại lịch sử.
Âm nhạc bắt nguồn từ cuộc sống của con người nên không thể phủ nhận âm nhạc dựa rất nhiều vào tiếng nói của con người, gắn bó chặt chẽ với ngữ điệu đầy sức biểu hiện của nó nên đã được coi là một loại “ngôn ngữ” độc đáo, có tác dụng làm cho những cảm nghĩ nội tâm con người được cảm nhận bằng những hình tượng riêng của mình.
Âm nhạc gắn với cuộc đời một con người bắt đầu còn là bào thai trong bụng mẹ, đến lúc “nhắm mắt xuôi tay” sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ người công dân, cống hiến sức lực, trái tim và trí tuệ cho Tổ quốc.
Thật vậy, thai nhi trong bụng mẹ bắt đầu nghe được tiếng động và giọng nói của mẹ từ tháng thứ 4 (mặc dù hệ thống tai nghe hoàn thành vào tháng thứ 6). Các nhà Y học đã nghiên cứu và khuyên các bà mẹ cho thai nhi nghe nhạc bằng cách áp herphone vào thành bụng, chỉ qua ít giây, tiếng nhạc kích thích vào não bộ thai nhi làm thay đổi nhịp tim, thay đổi chuyển hóa và thay đổi cơ học của thai nhi. Theo tài liệu khảo cứu, âm nhạc còn cứu sống trẻ sơ sinh thiếu tháng khi được cho nghe những bài hát Ru và những khúc nhạc du dương dịu dàng. Những trẻ được nghe nhạc thường xuyên thường có tâm hồn phong phú, nhân hậu, thông minh hơn những trẻ cùng trang lứa.
Lọt lòng mẹ, âm thanh nghe được đầu tiên biểu hiện tình cảm thương yêu là tiếng ầu ơ ru con của mẹ. Giai điệu êm dịu, du dương, trìu mến, tiết tấu nhẹ nhàng, lời ca giàu hình tượng, dạt dào tình yêu thương tha thiết đối với bé thơ, tất cả những yếu tố ấy đã như đôi cánh nhẹ nhàng đưa bé vào giấc ngủ an lành. Đối với những người lớn hoặc thanh thiếu niên khi nghe hát ru ít nhiều cảm thấy được sưởi ấm, vỗ về bằng những tình cảm thời bé thơ, ký ức về một khung cảnh, và tình yêu thương thắm thiết của những người thân trong gia đình.
Ví như:           “Con ơi con ngủ cho ngoan
Mẹ còn đi cấy đồng sâu chưa về”
Mặc dù mẹ đang là cô giáo, là viên chức, là công nhân nhà máy... nhưng các bà mẹ (thậm chí là các ông bố cũng hát ru) vẫn theo những ca từ đó để dỗ con ngủ với những âm vực khác nhau, chất giọng trữ tình riêng biệt, đã gây ấn tượng sâu sắc và đã theo suốt cuộc đời của người con.
          “Mẹ thương con có hay chăng?
          Thương từ khi thai nghén trong lòng...
          Chín tháng so chín chín năm
          Gian khó tính không cùng...
          ôm con ra mái hiên nhìn đàn chim rộn ràng hót
          Giữa mùa xuân
          Mừng con đã góp phần, tương lai con đẹp lắm
          Mẹ hát muôn lần. à ru hời hời ru”
                             (Mẹ yêu con - Nguyễn Văn Tý)
Mẹ ru con, yêu con, thương con, mẹ mừng, mẹ mong cho tương lai của con sẽ tốt đẹp... Câu hát cứ xoáy vào tim làm cho con xao xuyến đến bâng khuâng! Phải chăng, đó cũng là hình tượng mẹ Việt Nam, Tổ quốc đang ru các con, nâng cánh cho các con vào đời.
Khi con người đến tuổi “ biết nói, biết chơi”(5 đến 13 tuổi) loại hình âm nhạc “Đồng dao” là hoạt động tinh thần không thể thiếu. “Đồng dao” cũng là hoạt động văn hóa đầu tiên do trẻ thực hiện. Hoạt động này thường bao gồm một trò chơi, một lời ca có vần và một làn điệu âm nhạc, nội dung lời ca phản ánh môi trường thiên nhiên xã hội, phù hợp với lứa tuổi, làn điệu âm nhạc có thành phần phát âm đơn giản, dễ nhớ, dễ thuộc...

                   “Nu na nu nống
                   Cái trống nằm trong
                   Con ong nằm ngoài...”

Và bài hát khi chơi Chuyền:

                   “Cái mốt, cái mai
                   Cái trai, cái hến
                   Con nhện chăng tơ
                   Quả mơ, quả mận...”

Đây cũng là bài học văn hóa dầu tiên trong đời người mà thông qua đó, chẳng những con người học được các kiến thức chứa đựng trong lời ca, học được giai điệu dân tộc mà hơn nữa còn tham gia sáng tạo khi chơi và hát. Vì vậy có thể nói “đồng dao” là môi trường cho cánh bay của trí tưởng tượng, cho những sáng kiến nảy sinh tại chỗ, cho cảm hứng nghệ thuật, cho tinh thần cộng đồng tập thể... cho tình yêu quê hương đất nước bền vững và nuôi dưỡng tâm hồn dân tộc.
Hát “Giao duyên” là nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống sinh hoạt của nam nữ đến tuổi “cập kê”. Đây là cách thức tỏ tình hữu hiệu nhất khi các chàng trai và những cô gái muôn gửi gắm tình cảm tới người mình yêu thương. Bằng những giai điệu, lời ca giản dị chứa đựng tình cảm nồng cháy chân thành, những bài hát ấy giai điệu ấy đã làm cho những trái tim yêu thương xích lại gần nhau; cho những xung đột, hiểu lầm, hờn giận tiêu tan; cho tâm hồn nhẹ nhõm và thanh thoát hơn.
                   “Còn duyên ngồi gốc cây Thông
                   Hết duyên ngồi gốc cây Hồng hái hoa
                   Yêu nhau chơi cửa chơi nhà
                   Để thầy mẹ biết định ngày rước hoa”
                                      (Dân ca Quan họ Bắc Ninh)
Và đây:
“Khi cất lên tiếng ca gửi về người yêu phương xa, ta át tiếng gió mưa thét gào cuộn dâng phong ba, em ơi nghe chăng từ trái tim vọng ra...Qua núi biếc chập chùng...tiếng ca đời đời chung thủy thiết tha...” (Tình ca - Hoàng Việt). Một bản tình ca bất hủ của mọi thời đại, với một trái tim rực đỏ, cháy bỏng yêu thương và niềm lạc quan hạnh phúc tương lai. Tình yêu đã theo lứa đôi suốt dọc chiều dài đất nước.
Khi Tổ quốc có chiến tranh, những bài ca: Em vẫn đợi anh về (Hoàng Hiệp), Tình em (Huy Du - Ngọc Sơn), Vòng tay cầu hôn (Trần Tiến) là những tấm lòng thủy chung của người yêu ở quê nhà nhắn gửi làm ấm lòng người ở nơi tiền tuyến. Và còn nhiều ca khúc như những bản tráng ca mang tính hiệu triệu, kêu gọi, khơi dậy ý thức tự tôn dân tộc như: Lá xanh (Hoàng Việt), Hãy cho tôi lên đường (Hoàng Hiệp), Đường chúng ta đi (Huy Du), Bác đang cùng chúng cháu hành quân (Huy Thục)... luôn là động lực to lớn, là sức mạnh lay động đến muôn triệu trái tim, là những “Tiếng hát át tiếng bom” và là sự tất yếu của Cách mạng giải phóng dân tộc đi đến thành công.
Theo qui luật của tự nhiên, cái được sinh ra rồi cũng phải mất đi, không gì có thể bất biến, con người cũng nằm trong qui luật đó. Khi ấy, lúc mà con người tưởng chừng đau khổ nhất vì phải xa lìa mãi mãi người thân, bạn bè của mình, vẫn muốn có sự hiện diện của âm nhạc. âm nhạc trong tang lễ là một ví dụ. Dân gian có câu: “Sống dầu đèn, chết kèn trống”, khi có người thân, bạn bè đến viếng thì “dàn nhạc hiếu” lại tấu lên giai điệu buồn thương, sầu thảm... gợi cho người đến viếng và người thân nỗi tiếc thương không cầm nổi cảm xúc. Đến lúc đưa linh cữu đến nơi an nghỉ cuối cùng thì âm nhạc lại đưa đường dẫn lối bằng bản “Lưu thủy”, phải chăng âm nhạc ở đây mang ý nghĩa như dòng nước chảy mãi không ngừng, như sự bất tử của người đã ra đi trong trái tim những người còn sống.
Âm nhạc gắn liền với vòng đời của con người như vậy, bởi vì âm nhạc luôn luôn hiện diện trong cuộc sống thường ngày. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua mối quan hệ xã hội, âm nhạc như món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi chúng ta.
Bên cạnh những ảnh hưởng tích cực, có những loại âm nhạc tác động tiêu cực đến con người, làm nhận thức lệch lạc giá trị cuộc sống: âm nhạc quá khích dẫn đến bạo lực, sướt mướt dẫn đến sự ủy mỵ mất sức chiến đấu. Những ảnh hưởng tiêu cực đó có thể kéo theo các hành động sai trái. Vì vậy, việc giáo dục thẩm mỹ âm nhạc và thông qua âm nhạc để giáo dục tư tưởng, đạo đức cho người nghe là việc làm quan trọng và vô cùng cần thiết.
Một vai trò quan trọng nữa mà không ai có thể phủ nhận được, đó là sự tham gia và hỗ trợ của âm nhạc trong các dịp Lễ, Hội, Nghi thức, Hội nghị; trong sự chuyển động của tập thể (diễu hành) và dùng làm phương tiện để thư giãn, vui chơi giải trí cộng đồng...
Âm nhạc có vai trò lớn lao trong cuộc đời mỗi con người, nếu cuộc sống mà thiếu vắng âm thanh; cuộc đời mà không có âm nhạc, thì cuộc sống trở nên tẻ nhạt và đơn điệu vô cùng.
Xin dẫn ra đây câu nói nổi tiếng của Tiểu thuyết gia người Nga (tác giả của kiệt tác “Chiến tranh và Hòa bình”) Lev Nikolayevich Tolstoy để thay cho lời kết “Sức mạnh của âm nhạc khiến cho con người cảm nhận những điều tưởng chừng không thể, hiểu được những gì mà trước đó không thể, biến cái không thể thành cái có thể”.

                   Hồng Kim Phi

                             Địa chỉ: 61 Đường D5, Phường 25, Quận Bình Thạnh, TPHCM

                             Web: www.amnhachoanggia.edu.vn  

                             Email: amnhachoanggia@gmail.com

                             Hotline: 0989731783 - 0902641618

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Liên Hệ [x]
hotline090 264 1618