Chào Mừng Bạn Đến Với "Trung Tâm Đào Tạo Âm Nhạc & Nghệ Thuật Hoàng Gia" Điểm đến của mọi người yêu thích âm nhạc và nghệ thuật, nơi đào tạo và huấn luyện những tài năng nhí phát triển nghệ thuật và âm nhạc - Hotline : 0902641618

Thứ Ba, 22 tháng 12, 2015

LÀM GÌ ĐỂ GIÚP TRẺ TỰ TIN HƠN?

Nhiều ba mẹ rất băn khoăn vì con càng lớn càng nhút nhát, không biết làm thế nào giúp con dạn dĩ hơn. 
Trước tiên, bạn nên biết việc trẻ con nhút nhát không có gì là bất thường. Đây là tính cách xuất hiện hầu hết ở trẻ nhỏ từ 6 tháng đến 3 tuổi, vì thế giới xung quanh còn quá mới mẻ và lạ lẫm với chúng, các bé sẽ có xu hướng gần gũi với những người thân quen nhất. Trẻ cảm thấy gượng gạo và căng thẳng mỗi khi trở thành trung tâm của sự chú ý, kể cả khi đó là sự chú ý tích cực…
Và theo lẽ tự nhiên, khi trẻ được hơn 3 hoặc 4 tuổi sẽ bắt đầu có nhu cầu vui chơi và tương tác với bạn bè đồng trang lứa. Nhưng nếu lúc này tính nhút nhát vẫn tiếp tục kéo dài, thì chúng ta cần có phương pháp tích cực để thay đổi trẻ.
Nhiều bé học hành rất thông minh, khi ở nhà cùng ba mẹ thì nói năng trôi chảy và tiếp thu rất nhanh, thậm chí còn hay vặn vẹo bố mẹ. Nhựng khi ra ngoài, hoặc có khách tới chơi nhà thì trở nên rụt rè, hay sợ, không hòa nhập cùng người khác được.
Có những trẻ lúc nhỏ thì vẫn mạnh dạn, tự nhiên, nhưng càng lớn càng thay đổi, nhút nhát và thụ động. Điều gì khiến con trở nên như vậy? Theo TS Vũ Thu Hương, GV trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cách dạy dỗ của ba mẹ sai sẽ khiến con bị thiếu tự tin và dần trở nên nhút nhát. Một trong những sai lầm ba mẹ thường gặp là:
Ba mẹ hay căng thẳng
Nếu như cha mẹ thường stress hay căng thẳng thì dần sẽ gây ảnh hưởng, khiến cho bé có một nỗi sợ hãi mơ hồ. Thường khi cha mẹ lo lắng thì con sẽ bị truyền lo lắng đó vào người và cháu sẽ cảm thấy sợ.
Khi thấy bé hay sợ hãi, ba mẹ lại càng lo lắng cho con. Nỗi lo lắng này hoàn toàn có thể khiến trẻ cảm nhận được và càng thêm sợ hãi.
Chăm bẵm con quá mức
Cha mẹ chăm bẵm con quá cũng sẽ khiến con bị thiếu tự tin. Việc gì bé làm cũng khiến ba mẹ cảm thấy lo lắng và luôn muốn giúp đỡ, mỗi lần vấp ngã ba mẹ chạy lại bế lên dỗ dành, ba mẹ chăm sóc hoàn toàn từ A – Z… Do nhận được quá nhiều sự bao bọc trong gia đình, trẻ chưa tự chủ động làm một cái gì mà không có sự theo dõi và chỉ bảo của người lớn. Điều này khiến trẻ không tự tin một chút nào nếu không có người lớn ở bên chỉ bảo.
Tập trung vào những điểm tiêu cực, chê bai con
Cũng có trường hợp trẻ muốn chủ động làm một điều gì đó, nhưng thay vì tập trung vào những điểm tích cực đã làm được, thì bé lại nhận được những lời bình luận không hài lòng.
Ví dụ như muốn tự rót nước mời mẹ nhưng cháu chưa đủ khéo để rót nước vào cốc mà không đổ ra ngoài. Nếu cha mẹ tâm lý thì sẽ khen con là “Con tôi đã lớn rồi, con đã biết rót nước mời mẹ rồi, lần sau con đỡ tay phía dưới bình nước thì sẽ rót được khéo hơn không bị tràn ra ngoài con nhé”. Nhưng có thể nhiều cha mẹ ngăn cản ngay bằng những câu như “Thôi để đấy! Lại đổ tràn ra ngoài rồi thấy chưa!…”. Những lời nói không hài lòng như vậy một mặt làm trẻ không biết phải làm thế nào cho đúng, mặt khác làm cho trẻ học được cách để tránh bị phê bình là không làm gì cả, không tham gia gì cả.
Để giúp trẻ, ba mẹ cần xem xét lại việc chăm sóc và nuôi dạy con của mình. Không đem sự căng thẳng trong cơ quan, nơi làm việc hay gia đình vào trong những lần giao tiếp với trẻ. Tránh mỉa mai, chỉ trích những việc trẻ làm chưa tốt, hay so sánh trẻ với những những anh chị, bạn bè cùng chơi. Ngoài ra, ba mẹ cũng hãy tham khảo những cách thức dưới đây:
Thông thường, những trẻ chỉ hoạt ngôn lanh lợi ở nhà, còn khi ra ngoài lại thu mình nhút nhát, rụt rè là do cháu cảm thấy không an toàn và tự tin khi phải quyết định hoặc hành động một mình. Vì vậy, ba mẹ phải cho con tập làm mọi việc chăm sóc cho chính bản thân, có tinh thần tự lập. Thậm chí, bạn có thể nhờ cháu cả một số công việc nhà đơn giản. Khi cháu làm tốt, cần khen ngợi và khích lệ con thật nhiều.
Khi con ra ngoài chơi hoặc có người lạ đến nhà, bạn đừng ép con phải chào hỏi hay nói chuyện vui vẻ. Hãy để con tự nhiên. Khi con quan sát kĩ mà thấy khách không có biểu hiện hại bé thì bé sẽ tự nhiên lại gần và tiếp xúc thôi. Việc thúc ép của chị khiến bé càng thêm lo lắng và sợ hãi.
Cha mẹ phải chủ động gần gũi con và giúp trẻ cởi mở chia sẻ những khó khăn bằng lời. Cha mẹ nên tìm hiểu sâu hơn những cảm xúc hoặc suy nghĩ thực đằng sau lời nói. Ví dụ cha mẹ hỏi thêm vì sao con sợ người khác nhìn, tại sao con lại cảm thấy xấu hổ. Có thể các em có niềm tin là “con chẳng thể nào làm một cái gì đúng cả”, hoặc “mọi người sẽ cười khi con làm điều gì đó sai nên con mới tránh và xấu hổ”.
Có thể giải thích cho con rằng sai sót là chuyện bình thường, cha mẹ đôi lúc cũng sai nhưng không ai cười cha mẹ cả. Sau đó hỏi về những điểm mạnh của trẻ để các em cảm thấy tự tin hơn, ví dụ như cha mẹ có thể nói là nhưng bố mẹ thấy ở nhà con kể chuyện rất hay nên bố mẹ tin rằng con có thể kể những câu chuyện đó cho các bạn… Bằng cách thức đó, cha mẹ sẽ giúp con có những niềm tin mới, tích cực hơn về bản thân để tự chủ động tích cực tham gia vào các hoạt động với bạn bè.
Cha mẹ không nên bao bọc con quá mức, hãy tạo những thách thức nhỏ để con tự thể hiện mình, thường xuyên cho trẻ tiếp xúc, giao lưu với thế giới bên ngoài. Ví dụ như khuyến khích trẻ tham gia vào các hoạt động, trò chơi tập thể, cho trẻ tham gia nhiều hơn các lớp ngoại khóa như học đàn, học vẽ, kỹ năng sống…
Kyna tổng hợp và biên soạn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Liên Hệ [x]
hotline090 264 1618