Nghe nhạc là hoạt động giải trí phổ biến nhất của chúng ta. Nhiều bạn trẻ còn có thói quen nghe nhạc trong lúc đọc sách, làm việc hay tập thể thao. Có thể nói âm nhạc đã là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi chúng ta. Nhưng bạn đã bao giờ thắc mắc: âm nhạc ảnh hưởng tới não bộ của chúng ta như thế nào? Nghe nhạc như thế nào là tốt và không làm ảnh hưởng đến sự tập trung? Nghe nhạc có thực sự giúp bạn thư giãn?... Hãy cùng xem xét một vài khía cạnh khoa học từ ảnh hưởng của âm nhạc tới não bộ của chúng ta nhé.
Bạn thường nghe nhạc để thư giãn? Bạn có biết rằng khi bạn nghe nhạc sẽ kích thích nhiều phần não bộ khác nhau? Khi bạn nghe 1 bản nhạc, thùy não trước và thùy thái dương sẽ bị tác động. Có nhiều tế bào thần kinh tham gia vào quá trình này, đảm nhận những chức năng khác nhau (như cảm thụ giai điệu, tần suất...). Sau đó, những phần não bộ liên quan tới trí nhớ, tưởng tượng và ngôn ngữ cũng sẽ bị tác động. Có đôi khi bạn không để ý rằng mình đang nhẩm theo lời 1 bài hát quen thuộc, hay nhớ lại những kỷ niệm của bạn gắn lại với bài hát bạn đang nghe? Đó chính là do bài hát đó đã đánh thức phần não bộ chuyên về trí nhớ và ngôn ngữ của bạn. Biết được những tác động của âm nhạc tới não bộ như thế nào có thể giúp bạn chọn được âm nhạc phù hợp cho từng thời điểm, và tận hưởng những điều kỳ diệu mà âm nhạc mang lại.
Nghe nhạc buồn hay vui ảnh hưởng tới cách chúng ta nhìn sự việc thực tế:
Ngay khi nghe qua giai điệu của 1 đoạn nhạc, bạn đã có thể xếp bản nhạc đó vào thể loại nhạc buồn hay vui. Não bộ của chúng ta phản ứng khác nhau với các bản nhạc buồn hoặc vui. Bạn có thể làm 1 thử nghiệm nhỏ với các bạn của mình để thấy được tác động của âm nhạc tới não bộ của chúng ta.
Bạn hãy chuẩn bị 1 tấm ảnh chân dung với khuôn mặt ở trạng thái bình thường (không cảm xúc). Sau đó hãy để các bạn của mình nghe 1 bản nhạc (buồn hoặc vui) và hỏi người đó về cảm xúc của người trong tấm ảnh chân dung.
Các nhà khoa học đã làm thử nghiệm này và chỉ ra rằng: Chúng ta có xu hướng nhìn nhận một bức ảnh chân dung bình thường (không cảm xúc) ở trạng thái buồn hay vui tương ứng với bản nhạc (buồn hay vui) mà chúng ta vừa nghe.
Cần chú ý thêm 1 chút qua ví dụ này: âm nhạc tác động cùng chiều tới cách bạn nhìn nhận sự việc, nhưng không phải là cách "cảm nhận". Về khoa học: "nhìn nhận" và "cảm nhận" là hai hoạt động khác nhau. Điều này lí giải tại sao có những người thích nghe nhạc buồn như một cách giải trí mà tâm trạng của họ không cảm thấy buồn. Những người này hiểu được nỗi buồn thông qua giai điệu của bản nhạc, nhưng họ không thực sự hòa mình, "cảm nhận" bản nhạc do vậy họ không bị ảnh hưởng bởi giai điệu buồn của bài hát.
Trong thực tế, có thể bạn không để ý nhưng đã có rất nhiều ví dụ cho việc ứng dụng tác động này của âm nhạc. Bạn có để ý những bản nhạc thường được dùng trong các quán cà phê du dương, êm ái, có thể hơi buồn. Các bản nhạc trong những siêu thị mua sắm lại thường rộn rã, vui tươi...
Nghe nhạc với âm lượng vừa phải có thể kích thích sự sáng tạo của chúng ta
Nhiều người thường có thói quen nghe nhạc khá lớn. Nếu bạn có thói quen như thế, có thể bạn sẽ muốn thay đổi khi công việc bạn làm cần sự sáng tạo. Một nghiên cứu khoa học cũng đã chỉ ra rằng: So với môi trường yên lặng (50dB), môi trường với tiếng nhạc nhỏ vừa phải (khoảng 70dB) giúp chúng ta hoàn thành các công việc cần sự sáng tạo tốt hơn. Trong khi môi trường ồn với tiếng nhạc lớn (trên 85dB) làm chúng ta không thể hoàn thành các công việc đó. Vậy môi trường có tiếng ồn 70dB là những môi trường nào? Có thể lấy ví dụ ngay từ thực tế: tiếng ồn do động cơ xe đi ngang qua ở tốc độ vừa phải thường vào khoảng 77dB, tiếng nhạc vừa phải trong phòng khách 30m2 là khoảng 76dB, tiếng máy hút bụi hay tiếng tivi vừa đủ nghe trong phòng thường vào khoảng 70dB...
Các nhà khoa học lý giải rằng khi bạn nghe nhạc với âm lượng vừa phải hoặc hơi nhỏ sẽ làm bạn hơi sao nhãng 1 chút và kích thích phần não bộ liên quan tới trí tưởng tượng. Bạn bị tác động bởi các âm thanh xung quanh, nhưng việc thực sự không nghe rõ lắm các âm thanh đó sẽ đánh thức trí tưởng tượng của bạn. Một cách vô hình, khi đó bạn sẽ làm tốt hơn các công việc có liên quan đến sự sáng tạo. Còn khi bạn gặp phải những âm thanh quá lớn, những âm thành này sẽ phá vỡ dòng suy nghĩ hoặc sự tập trung của bạn, ngay lập tức buộc bạn phải chú ý tới chúng. Do đó, âm lượng quá lớn sẽ làm ngắt quãng các hoạt động của não bộ, khiến bạn khó tập trung để làm việc.
Điều này lý giải tại sao một vài văn phòng thường để tiếng nhạc nền hơi nhỏ, hoặc tại sao có những người thích làm việc ngoài trời, tại các quán cà phê hay các công viên. Thói quen làm việc là khác nhau với mỗi người, nhưng giờ thì bạn có thể hiểu hơn tại sao họ làm việc theo cách như vậy mà vẫn có hiệu quả.
Chơi một nhạc cụ có thể giúp tăng cường khả năng tư duy, ngôn ngữ và vận động
Chúng ta thường nghe rằng âm nhạc có tác động tốt tới sự phát triển của trẻ nhỏ. Các bác sỹ thường khuyên các bà mẹ nghe nhạc ngay từ khi mang bầu để có những tác động tốt tới em bé. Việc tập cho trẻ chơi một nhạc cụ nào đó còn có tác động rõ rệt hơn thế. Qua thực nghiệm, các nhà khoa học chỉ ra rằng những đứa trẻ có từ 3 năm trở lên tập chơi một nhạc cụ nào đó có những biểu hiện phát triển rõ rệt thấy rõ so với các bạn cùng tuổi nhưng không tập chơi nhạc cụ. Khả năng nghe và hiểu của chúng tốt hơn, khả năng ngôn ngữ và biểu hiện cảm xúc tốt hơn, trí nhớ và trí tưởng tượng cũng tốt hơn rất nhiều. Từ việc cảm nhận, hiểu vấn đề tốt hơn, những đứa trẻ này học theo các hành động nhanh hơn và có thể thực hiện những công việc đòi hỏi sự khéo léo tốt hơn các bạn khác.
Bạn có nhớ nhân vật trinh thám nổi tiếng Sherlock Home - người thường có thói quen chơi violon khi suy nghĩ, phân tích về các vụ án. Giờ thì bạn có thể thấy rằng hành động ấy không phải là 1 hư cấu không có cơ sở của tác giả. Việc chơi nhạc cụ giúp kích thích các phần khác nhau của não bộ, và chúng sẽ giúp bạn có tư duy logic, đánh giá và cảm nhận sự việc tốt hơn.
Âm nhạc giúp chúng ta tập luyện thể thao tốt hơn
Đầu tiên, bạn có thể nghĩ tập luyện thể thao thì có gì liên quan tới não bộ? Trên khía cạnh khoa học, khi bạn tập thể thao, tiêu hao năng lượng và dần dần cơ thể sẽ mệt mỏi. Khi các cơ bắp mệt mỏi, chúng gửi tín hiệu tới não bộ để nghỉ ngơi. Khi nghe nhạc, bạn sẽ làm sao nhãng những tín hiệu này và cảm thấy ít mệt mỏi hơn. Tất nhiên, các cơ bắp vẫn vận động và tác dụng này chỉ hữu ích với các bài tập nhẹ, trung bình hay các bài tập tập trung vào sức bền. Nghe một bài hát bạn yêu thích cũng giúp bạn có cảm xúc theo giai điệu của bài hát đó, làm bạn không chú ý tới thời gian tập luyện nhiều nữa và vô hình chung giúp bạn tập luyện lâu hơn, duy trì sự dẻo dai tốt hơn.
Đến bất cứ 1 phòng tập gym hay aerobic nào, bạn cũng sẽ thấy âm nhạc là 1 phần không thể thiếu. Quan sát những người đi bộ hay chạy thể dục trong công viên, bạn có thấy rằng rất nhiều người vừa tập vừa nghe headphone... Bây giờ, bạn đã biết rằng họ làm vậy là có lý do, và việc nghe nhạc thực sự giúp ích cho việc tập luyện của họ. Nếu bạn tập thể thao và không có thói quen nghe nhạc khi tập luyện, bạn hãy thử xem nhé. Hãy chọn cho mình những bản nhạc yêu thích, có giai điệu nhanh, chậm tương tự như nhịp vận động của môn thể thao bạn tập, bạn có thể sẽ ngạc nhiên bởi những tác dụng mà âm nhạc mang lại.
Nguồn: Tham khảo
0 nhận xét:
Đăng nhận xét