Âm nhạc có một ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống con người, đặc biệt là trẻ em. Các nghiên cứu khoa học cho thấy, âm nhạc có tác dụng giúp trẻ em thông minh hơn. Đây là kết luận rút ra từ cuộc nghiên cứu do bộ giáo dục Mỹ thực hiện trong 10 năm với khoảng 25000 trẻ em. Các môn nghệ thuật, đặc biệt là âm nhạc đã giúp các em tiến bộ rõ rệt trong các môn toán, lịch sử, địa lý... Tạo điều kiện để cho bé tiếp xúc với âm nhạc, học chơi đàn nghĩa là bạn đã cho con cơ hội để có một nền học vấn toàn diện không chỉ về khoa học mà còn về nghệ thuật, về cái đẹp. Tâm hồn trẻ thơ vì thế sẽ thêm phong phú, đằm thắm và sâu sắc.
1. Giáo dục âm nhạc - đó không phải chỉ là đào tạo nhạc công mà là đào tạo con người.
Những hoạt động âm nhạc giúp trẻ vừa rèn luyện những kỹ năng ngôn ngữ, vừa được học cách tương tác tích cực với những người khác trong xã hội.
“Âm nhạc giúp trung tâm xử lí ngôn ngữ của não phát triển tốt hơn. Những trẻ được phát huy khả năng âm nhạc ở độ tuổi sớm nhất sẽ giúp cho việc học tốt hơn những đứa trẻ sinh ra trong những gia đình không có cơ hội tiếp cận với âm nhạc”_Giáo sư Michael Schulte- Markwort, thuộc Viện Tâm lý trẻ em ở bệnh viện của đại học Hamburg, Đức.
2. Âm nhạc giúp trẻ phát triển nhân cách toàn diện
Thứ nhất là về nhận thức: Các nghiên cứu về thần kinh cho thấy, sự tiếp xúc với âm nhạc có thể thiết lập được phản xạ có điều kiện ở trẻ, đồng thời thúc đẩy trí thức của bán cầu trái, phát triển khả năng nhận thức và các kỹ năng lập luận phức tạp.
Thứ hai là về ngôn ngữ: Kinh nghiệm tiếp cận với âm nhạc giúp trẻ sử dụng ngôn ngữ để miêu tả, cách phát âm thông qua việc lắng nghe và hát.
Thứ ba là về thể chất: Việc vận động theo nhạc giúp trẻ phát triển cơ bắp và các tố chất như độ bền, độ linh hoạt, dẻo dai, tính chính xác, sự nhanh nhạy, sự cân bằng, sự khéo léo…. Theo các nhà tâm lý học, vấn đề mấu chốt của việc vận động theo nhạc nằm ở mối tương quan giữa hoạt động thể chất và hoạt động trí não. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự luân phiên giữa vận động thể lực và vân động trí não có tác động tích cực đến sức khỏe của con người, nhờ đó cường độ và chất lượng của hoạt động trí não được nâng cao.
Thứ tư là về thẩm mỹ: Âm nhạc giúp hình thành ở trẻ em khái niệm về cái đẹp, về không gian….
Thứ năm là về Cảm xúc và hiểu biết xã hội: Âm nhạc tạo cở hội cho trẻ được thể hiện cảm xúc của mình và kích thích sự hiểu biết văn hóa của các vùng miền trên thế giới.
Trong luận văn “Nghiên cứu và phân tích một số giáo trình Piano cơ bản cho trẻ nhỏ”, chúng tôi đã nêu ra những lợi ích của việc cho trẻ nhỏ học Piano. Lợi ích thư nhất là khả năng xử lý những áp lực trong cuộc sống. Học Piano giúp các em trở nên thành thạo trong việc xử lý căng thẳng như một phần tự nhiên của việc học. Các học sinh học Piano có thể học để đối phó với nhịp đập con tim đang rất nhanh, những ngón tay run rẩy, lo âu, mất tập trung trong một nỗ lực để kiểm soát dây thần kinh của một người. Để tránh tình trạng lúng túng, một học sinh có thể đầu tư thời gian để đạt được kết quả tối đa của mình.
Lợi ích thứ hai là khả năng phản ứng với những lời chỉ trích. Học sinh Piano học cách làm việc dưới sự giám sát chặt chẽ của một người cố vấn, trong trường hợp này là giáo viên dạy Piano của các em. Học sinh học cách chấp nhận lời khuyên và thông tin phản hồi từ giáo viên của họ, những người mà họ xem là chuyên gia trong lĩnh vực đó. Trẻ em sẽ suy nghĩ người lớn hơn, quan tâm đến những ý kiến khác nhau chứ không chỉ của riêng mình, thực hành ứng xử và hoàn thiện mình hơn.
Lợi ích thứ ba là khả năng để đối phó với chiến thắng cũng như thất bại, thử thách bản thân qua các buổi biểu diễn công cộng trong trường học và các sự kiện xã hội. Dù bằng cách nào, những dịp giúp các học sinh “cọ xát” cũng cung cấp cho các em rất nhiều kinh nghiệm thực tế để vươn lên.
Những khó khăn trong quá trình học Piano sẽ tôi luyện ý chí vượt khó và nếp tư duy khoa học, linh hoạt trước một vấn đề nan giải. Biết chơi một nhạc cụ như Piano (nhạc cụ vua của các nhạc cụ) là một niềm tự hào của mỗi học viên. Ở từng cấp độ đều có những giá trị riêng đáng tự hào riêng. Lợi ích tổng thể của học Piano là kỹ năng ngoại vi có được trong quá trình làm chủ nhạc cụ.
Những trẻ em của chúng ta có thể không giỏi xuất sắc như một nghệ sĩ piano biểu diễn phòng hòa nhạc, các con có thể trở thành bác sĩ, luật sư, doanh nhân, kỹ sư, nhà văn, giáo viên ... Tuổi niên thiếu các con học Piano là một thử thách đặc biệt khi được rèn luyện nhiều kỹ năng về thể chất và tinh thần mà cây đàn đòi hỏi.
Ngoài việc nêu ra một số các lợi ích của việc dạy đàn Piano cho trẻ, vai trò của giáo viên trong quá trình dạy học đã được giới thiệu và phân tích một số giáo trình học đàn Piano dành riêng cho trẻ nhỏ do các nhà sư phạm nước ngoài nổi tiếng biên soạn. Kết hợp với những kinh nghiệm sư phạm của bản thân và đồng nghiệp, tác giả luận văn đã nêu ra một số nhận định mang tính định hướng trong quá trình giảng dạy để giúp các em nhỏ có thể nhớ, nắm vững các kiến thức cùng kỹ năng cơ bản trong giai đoạn đầu học đàn một cách hiệu quả nhất.
Như vậy, có thể nói, việc giới thiệu và đánh giá vào việc giảng dạy Piano cho các em nhỏ chính là góp phần đặt nền móng cho các em được tiến bước xa hơn, vững chắc hơn trên con đường nghệ thuật.