Năm 14 tuổi, Lang Lang bắt đầu học tại Nhạc viện Curtis ở Philadelphia. Nhiều năm sau, khi đã là nghệ sĩ piano danh tiếng thế giới, Lang Lang luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc được dìu dắt bởi một người thầy âm nhạc tận tình. Dưới đây là bài phỏng vấn của Anastasia Tsioulcas với Lang Lang cùng Gary Graffman, người thầy đáng kính năm nay đã 89 tuổi của anh.
Lang Lang và một học trò được nhận học bổng của Quỹ Âm nhạc Lang Lang tại Allianz Junior Music Camp 2015.
ANASTASIA TSIOULCAS (AT): Ông nhớ gì về quan điểm của các thầy cô dạy nhạc ở thời của ông? Liệu phong cách của họ khi ấy có hơi độc đoán hay là cũng khá cởi mở?
GARY GRAFFMAN (GG): Tôi bắt đầu học nhạc từ năm lên ba, nhưng là violin. Bố tôi [Vladimir Graffman] là nghệ sĩ violin, ông từng theo học Leopold Auer, một trong những người thầy violin xuất sắc nhất ở St. Petersburg. Bố tôi học cùng lớp với [Jascha] Heifetz, [Mischa] Elman and [Efrem] Zimbalist. Năm tôi lên bốn, bố tôi cho rằng tôi không có năng khiếu và nghĩ tôi nên học một thứ nhạc cụ mà theo các nghệ sĩ đàn dây là dễ chơi hơn. Đó chính là điều các nghệ sĩ đàn dây nghĩ về đàn piano.
Năm bảy tuổi, tôi thi đỗ vào Nhạc viện Curtis và đã có 10 năm học với Isabelle Vengerova ở đó. Chính bà đã thu xếp để tôi chơi đàn cho [Vladmir] Horowitz nghe, và sau đó, tôi được làm việc với Horowitz trong nhiều năm.
Nhìn chung, trước đây, người thầy độc đoán hơn. Nhưng sau các cuộc cách mạng ở Nga và sau Chiến tranh thế giới thứ hai, rất nhiều nghệ sĩ lớn đã di cư tới Boston, Washington, New York, hay Los Angeles… vì thế chúng ta được tiếp nhận nhiều quan điểm âm nhạc khác nhau. Đó là thời điểm tôi theo học cô Vengerova; Leschetizky một trong những người bạn thân nhất của tôi thì học với thầy [Rudolf] Serkin [người Czech]; một bạn thân khác của tôi lại học với [Artur] Schnabel [người Áo].
Về sau, khi bắt đầu dạy học, chúng tôi mang theo tất cả những ảnh hưởng đó. Về phần mình, tôi học được từ thầy Horowitz rằng luôn có nhiều cách để chơi cùng một bản nhạc. Horowitz thường bảo tôi không phải cố ép mình chơi theo cách của ông. Và tôi cũng làm như vậy với học trò của mình. Nếu có học trò nào không chơi như cách của tôi, tôi chỉ bảo: “Đó là một cách chơi khác,” chứ không bao giờ bảo “Sai rồi, em phải chơi theo cách của tôi”. Tôi không biết Lang Lang có đồng ý với tôi không - tôi đồ là có - rằng tất cả những học trò tài năng của tôi, trong đó có cậu ấy, không có vẻ gì là học trò của cùng một ông thầy cả.
AT: Còn anh, Lang Lang, anh có thể mô tả trải nghiệm không hay của anh với giáo viên nhạc được không?
LL: Là một người thầy giỏi, thầy Graffman luôn đưa ra góc nhìn toàn diện cho học trò, học trò không bị đặt vào tình thế phải lựa chọn giữa cách này hay cách khác bởi không phải chỉ có một cách để chơi nhạc. Nhưng với những giáo viên kém cỏi, họ sẽ nói: “Đây là cách duy nhất, nếu không chơi đúng như vậy, cậu sẽ chẳng có tương lai.” Về cơ bản, đó là cách tư duy hạn chế của người không bao giờ chịu lắng nghe ý kiến của người khác.
AT: Việc được nhận vào Curtis đối với anh có phải là bước thay đổi lớn về triển vọng của mình trong tương lai?
LL: Thầy Graffman là lý do duy nhất khiến tôi tới học ở Curtis. Tôi gửi video cho thầy vào năm 1996, rồi thầy mời tôi tham gia kỳ thi đầu vào tháng Ba năm 1997. Khi thầy gọi điện báo tin tôi được nhận làm học trò của thầy, đó là một trong những ngày hạnh phúc nhất đời tôi.
AT: Khi anh tới Philadelphia, ấn tượng đầu tiên về thầy Graffman là gì?
LL: Thực ra, tôi ấn tượng nhất là thầy Gary nói tiếng Trung Quốc - tiếng quan thoại - rất thạo. Thậm chí thầy còn nói biết sự khác nhau giữa giọng miền bắc và giọng miền nam.
GG: Không, đừng nói quá! Nhưng tôi quả có biết một chút tiếng Trung.
LL: Điều khiến tôi hào hứng nhất là sau khi học buổi đầu tiên với thầy, ngay trước ngày kiểm tra, tôi đã bắt đầu suy nghĩ về cách chơi của mình, đặc biệt là ở những bản như Ballade của Chopin hay Sonata Op. 110 của Beethoven… Quan điểm của tôi thay đổi đáng kể. Thầy đã mở rộng tầm mắt cho tôi, qua đó chiếc đàn piano như biến thành cả dàn nhạc. Tôi hiểu ra mình cần nhìn bản nhạc ở góc nhìn rộng hơn. Không đơn thuần chỉ là chơi các nốt nhạc nữa mà còn có nhiều cách thể hiện âm sắc hay ngắt quãng câu nhạc, nhiều điều thú vị hơn hẳn những điều tôi từng học.
Và thầy luôn nói với tôi, “Đây chỉ là một cách chơi”, rằng tôi có thể chọn cách khác. Học trò của thầy mới là người lựa chọn cuối cùng. Điều đó thật tuyệt vời.
GG: Nhưng đó cũng là niềm vinh hạnh cho người thầy khi có học trò hiểu nhanh, ngay cả khi câu nhạc chưa kết thúc, người học trò ấy đã biết cần nhắm vào điều gì.
AT: Vậy điều gì làm nên một học trò giỏi?
LL: Tôi nghĩ, trước hết, học trò cần tôn trọng người thầy của mình. Lòng tin giữa thầy và trò cũng đóng vai trò quan trọng dẫn tới thành công.
AT: “Tôn trọng người thầy” theo anh nghĩa là sao?
LL: Bà biết đấy, Gary là một người thầy tuyệt vời, yêu học trò như con đẻ của mình. Ngoài ra, thầy còn có tài truyền đạt tới học trò. Đôi khi có những giáo viên rất xuất sắc, nhưng họ truyền đạt không dễ hiểu, khiến học trò không nắm được ngay là họ muốn nói gì. Hơn nữa, họ cũng bình thường như bao người khác. Trong cuộc sống luôn có những ngày không dễ chịu, và lúc đó họ đã không kiềm chế được khi lên lớp, như nổi nóng chẳng hạn. Chuyện như vậy luôn xảy ra.
Nhưng tôi cho rằng, là học trò, chúng tôi cần hiểu thầy cô đang cố khơi gợi điều gì, và rằng chúng tôi cần mở rộng các ý tưởng đó. Cơ bản là cần luyện tập thật chăm chỉ để biến những điều thầy cô đã chỉ dạy thành của riêng mình.
AT: Tôi thắc mắc, liệu mối quan hệ giữa giáo viên âm nhạc và học trò dần trở nên năng động và tương tác hơn là phong cách chỉ có ở Mỹ, hay đã thành phổ biến ở nhiều nước khác?
GG: Hồi đầu thế kỷ 20, các giáo viên nhạc tại Nga, Đức, Pháp… thường chỉ sinh sống cố định ở một nơi. Họ cũng chỉ học với những người thầy sống trong cùng một nước. Hẳn nhiên, họ có nghe và học hỏi các nghệ sĩ lưu diễn khác, nhưng phần lớn vẫn theo đuổi các trường phái đặc trưng như Pháp, Đức, Nga… , chủ yếu là Đức và Nga, nhưng rồi rất nhiều trong số họ cùng chuyển đến nước Mỹ.
Bởi vậy, ở Mỹ, ta có thể tiếp cận với nhiều phong cách và trường phái khác nhau, rồi các tài năng lớn xuất hiện khi tuổi còn rất trẻ. Tôi đang nhớ đến trường hợp của nhạc trưởng huyền thoại Leonard Bernstein, người lớn hơn tôi khoảng 10 tuổi. Ông từng học ở Curtis dưới sự chỉ dạy của cô Vengerova. Nhưng ông lại học soạn nhạc và chỉ huy. Và giờ đây xu hướng này đang lan ra khắp nơi trên thế giới. Ý tôi là, những người thầy giỏi nhất - tuy không phải tất cả, nhưng rất nhiều trong số họ - vừa dạy nhạc ở Moscow, St. Petersburg và cả ở Đức hay nhiều nơi khác nữa. Xu thế toàn cầu hóa đã bắt đầu. Thực tế là, một sinh viên tốt nghiệp hồi tháng Năm hôm nay gọi điện cho tôi từ Salzburg để kể rằng cô vừa có buổi trình diễn và ngay lập tức được đón nhận nồng nhiệt. Các giảng viên nhạc ở đó là người Nga, Pháp, Đức. Nhiều, nhiều năm về trước có lẽ đã không có chuyện như vậy.
LL: Tôi chợt nhớ ra một chuyện rất thú vị. Trong buổi hội thảo đầu tiên về piano ở Curtis mà tôi tham gia, có các nghệ sĩ piano khác nhau thuyết trình về những ý tưởng tuyệt vời, và tôi đã chơi bản fantasy của Schumann cho một trong số các giảng viên của Curtis nghe. Chơi xong, khi tôi hỏi ông, tôi chơi vậy có ổn không, ông chỉ nhận xét tôi chơi tốt và ông “chẳng có gì để nói”. Chắc vẻ mặt tôi lúc đó có gì băn khoăn nên dù đã gọi người tiếp theo rồi song ông vẫn giữ tôi lại và bảo: “Khoan đã, tôi có vài gợi ý mà tôi hy vọng cậu sẽ thấy thú vị. Ở chương hai, câu nhạc này, tôi nghĩ cậu nên nhấn mạnh giai điệu ở bè trái hơn. Người chưa nghe cách chơi đó bao giờ có thể sẽ thích cách chơi của cậu.” Tôi đã thắc mắc thầy là ai vậy. Hóa ra đó là thầy Jonathan Biss.
GG: Chúng tôi luôn cố gắng để sinh viên cũng được tham gia thảo luận, trao đổi. Các sinh viên năm đầu thường dè dặt nhưng rồi…
AT: Rồi họ trở nên rất bạo dạn phải không?
GG: À không, họ cố tỏ ra lịch sự, kiểu: “Thầy chơi rất hay đó, nhưng có một số điểm em hoàn toàn không đồng tình.”
AT: Ông có yêu cầu sinh viên nghiên cứu và đọc thêm những tài liệu mà ông cho là phù hợp?
GG: Ồ, chắc chắn rồi. Ví dụ, để hiểu bản Kreisleriana của Schumann, ta cần đọc Kater Murr (Con mèo Growler) của E.T.A. Hoffmann, kể chuyện một nghệ sĩ chỉ huy dàn đồng ca viết nhật ký mỗi đêm, rồi khi anh ta ngủ gục thì con mèo của anh ta viết thay. Mọi sự lộn xộn không ăn khớp ấy đều có ở trong cuốn sách đó.
AT: Tôi nghĩ có lẽ phần lớn mọi người hiểu nhầm rằng theo học tại một nhạc viện thì ta chỉ học nhạc mà thôi. Nhưng rốt cuộc sinh viên phải học vô số điều cần thiết khác ngoài âm nhạc…
LL: Như lịch sử!
AT: Lịch sử và hy vọng là cả văn học.
LL: Văn hóa nữa!
AT: Văn hóa và nghệ thuật, và tất thảy. Tôi cho rằng đó thật sự là một phần quan trọng trong trải nghiệm.
LL: Tôi phải nói rằng tôi học được nhiều về Trung Quốc từ chính thầy Gary. Thầy sống ở phương Tây mà hiểu biết về Trung Quốc nhiều hơn tất thảy mọi người tôi từng biết, thầy sưu tầm rất nhiều thứ về Trung Quốc.
AT: Tôi cũng có nghe nói như vậy.
LL: Thầy còn đưa cho tôi một số bản nhạc cổ truyền Trung Hoa, hàm ý rằng, sao tôi không thử xem qua, biết đâu có bản nhạc nào đó khiến tôi thích thú thì sao. Kết quả là một vài bản nhạc cổ truyền Trung Hoa đã xuất hiện trong album Dragon Songs thu năm 2007 của tôi.
AT: Vâng, tôi phải nói là có cả hai người ở đây là một vinh hạnh lớn. Tôi rất cảm ơn và trân trọng buổi hôm nay.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét