Khoa học tác động đến mọi mặt của đời sống, trong đó có cách thưởng thức nghệ thuật của con người. Nghe nhạc là một trong những món ăn tinh thần chứng kiến rõ nhất bước phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ.
Âm nhạc luôn là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với con người. Từ xa xưa, loại hình nghệ thuật này đã luôn được quan tâm, chăm sóc. Thời kỳ đầu, con người muốn thưởng thức âm nhạc họ phải tới rạp hát, hoặc chờ các gánh hát, các đoàn kịch nghệ đi lưu diễn qua địa phương của mình. Nhưng về sau, nhu cầu đó đã được thỏa mãn tại nhà với những phát minh, sáng chế từ thấp đến cao cùng với tiến trình phát triển của trình độ khoa học kỹ thuật.
Ban đầu, muốn nghe nhạc, con người phải tới rạp hát
Hộp nhạc nhỏ xíu (Snuff Box)
Những chiếc hộp tạo ra giai điệu du dương đã xuất hiện từ thế kỷ thứ 9 ở Iraq, nhưng những hộp nhạc ban đầu đó còn rất thô sơ và giản đơn, mãi cho tới thế kỷ 18, người Châu Âu mới hoàn tất thiết kế ban đầu đó và tạo ra những hộp nhạc nhỏ xíu như hình bao thuốc lá, được chế tác cầu kỳ và tinh xảo với những âm thanh y như tiếng dương cầm và vĩ cầm. Hộp nhạc có nhiều kích cỡ, có thể nhỏ như bao thuốc, cũng có thể lớn như chiếc mũ, và cũng có loại to chiếm hết diện tích một mặt bàn với các âm thanh tinh tế, phức tạp hơn hộp nhạc thuở ban đầu rất nhiều.
Hộp nhạc giản đơn ban đầu có cơ cấu hoạt động giống như một chiếc đồng hồ và thường được các thợ chế tác đồng hồ sản xuất ra. Thụy Sĩ, đất nước nổi tiếng về sản xuất đồng hồ cũng từng là nơi tập trung nhiều xưởng sản xuất hộp nhạc.
Cơ cấu tạo ra âm thanh của hộp nhạc ban đầu này dựa trên một hình trụ có mấu nhô lên, những mấu đó tương ứng với các nốt nhạc và được bố trí cố định tại một vị trí nhất định trên ống hình trụ. Vì vậy, mỗi ống hình trụ đặt vào hộp nhạc tương ứng với một giai điệu không đổi. Khi người ta muốn nghe một giai điệu khác, họ buộc phải thay sang một ống hình trụ khác. Sau này, một số cải tiến được tạo ra và một ống hình trụ có thể chạy những bản nhạc dài nối tiếp nhau suốt 3 tiếng đồng hồ. Để được nghe nhạc, người ta phải vặn dây cót của hộp nhạc và nó sẽ chơi theo tốc độ định sẵn của nhà sản xuất.
Hộp nhạc lớn (Musical Box)
Hộp nhạc lớn ra đời trong khoảng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, về cơ bản nó dựa trên cách thức vận hành của hộp nhạc nhỏ, cũng là một thiết bị chơi nhạc tự động, tạo ra âm thanh dựa trên những chiếc gai nhỏ nhô lên từ một trục hình trụ xoay tròn. Nhưng ở thời này, người ta thường thay hộp hình trụ bằng một dải dẹt hình lược với những “mấu nhạc” nhô lên. Trong một số hộp nhạc được thiết kế tinh xảo còn có những chiếc chuông, chiếc trống nhỏ xíu, cùng với tay quay giúp bạn tự điều chỉnh được độ nhanh chậm của bài hát.
Hộp nhạc thời kỳ này đã được chế tác tinh xảo đến độ kết hợp giữa các mấu nhạc trên ống hình trụ hoặc hình đĩa với các loại dây bên trong tạo ra giai điệu rất giống với đàn piano và violin.
Sau chiến tranh thế giới thứ hai, vì kinh tế toàn cầu bị khủng hoảng, ngành sản xuất hộp nhạc gần như biến mất vì không còn mấy ai đủ khả năng mua những hộp nhạc đắt tiền này nữa. Đó thực sự là một điều đáng tiếc vì những hộp nhạc này bên cạnh giá trị âm nhạc còn có giá trị thẩm mĩ tạo hình. Sau này, một số thợ sản xuất cá thể vẫn duy trì hoạt động nhỏ lẻ và một số công ty sản xuất đồng hồ vẫn mở xưởng sản xuất hộp nhạc để phục vụ cho những khách hàng đơn lẻ.
Đĩa than (Vinyl LP Records)
LP là viết tắt của từ “Long Play” (Chơi được lâu) là một hình đĩa mỏng làm từ nhựa vinyl có nhiều rãnh siêu nhỏ, được sử dụng với một máy quay đĩa. Đĩa than lần đầu xuất hiện trên thị trường ngày 21/6/1948 bởi hãng đĩa đầu tiên trên thế giới, hãng Columbia Records. Phát minh được công bố trong một buổi họp báo tại thành phố New York, Mĩ.
Đĩa than đã và sẽ mãi là chuẩn mực và đỉnh cao trong nghệ thuật thưởng thức âm nhạc. Về sau, bộ lọc âm thanh và dàn âm thanh nổi với hai loa tách rời đã giúp hoàn thiện hiệu quả phân bố âm thanh của hệ thống máy quay đĩa. Cho tới hôm nay, những người nghe nhạc “sành” vẫn coi đĩa than là chuẩn mực đỉnh cao trong thưởng thức âm nhạc.
Đĩa than có thể nghe được cả hai mặt, ban đầu mỗi mặt chỉ nghe được trong 20 phút với tốc độ tương đối chậm, nhưng dần dần tốc độ quay đĩa đã được tăng lên đáng kể với thời lượng kéo dài hàng tiếng đồng hồ.
Băng ghi âm 8 rãnh (8-tracks)
Băng ghi âm 8 rãnh là kỹ thuật ghi âm kiểu mới trên dải băng từ. Loại băng này xuất hiện lần đầu ở Mĩ vào giữa những năm 1960 và tồn tại đến đầu những năm 1980. Vì sự xuất hiện chóng vánh của nó mà băng từ 8 rãnh không được phổ biến rộng rãi mà chỉ được sử dụng chủ yếu tại Mĩ, đất nước phát minh ra nó.
Băng từ 8 rãnh được phát minh năm 1964. Sau đó, băng từ 4 rãnh được phát minh năm 1970. Cơ chế hoạt động của băng là dây băng sẽ được cuốn từ lõi này sang lõi khác. Ban đầu nghe nhạc bằng băng ghi âm là thú chơi của những người cầu kỳ bởi khi đó, người ta phải dùng tay để vòng các dây băng vào lõi quay trên máy nghe nhạc với những bước rất phức tạp. Vì vậy, ở thời kỳ đầu khi mới xuất hiện, băng ghi âm không giành được thiện cảm của người nghe nhạc, họ vẫn nghe đĩa than vì vừa đơn giản hơn, chất lượng âm thanh lại cao hơn hẳn.
Lúc này, một cuộn băng ghi âm đắt hơn một chiếc đĩa than vì quy trình sản xuất dây băng vẫn còn rất phức tạp và thủ công. Để giảm thiểu sự phức tạp đối với người nghe, các nhà sản xuất về sau đã sáng tạo ra chiếc hộp nhựa nhỏ với hai lõi quay để máy sẽ quay tự động mà không cần bàn tay con người vòng móc dây băng vào máy nữa. Nhờ vậy tuổi thọ của dây băng cũng dài hơn. Tuy vậy, chất lượng âm thanh thời kỳ này vẫn còn rất kém, lẫn nhiều tạp âm, độ trung thực và sắc nét của âm vực chưa cao.
Băng từ chạy qua dàn âm thanh nổi với hai loa tách biệt bắt đầu xuất hiện trên thị trường cùng tính năng băng trắng để người sử dụng có thể tự ghi âm tại nhà chứng kiến sự tiến bộ vượt bậc trong ngành sản xuất băng từ. Vì có sự tồn tại song song của đĩa than nên băng từ phải mất nhiều năm mới có được thị phần trên thị trường.
Băng cát xét (Cassettes)
Băng cát xét ra đời sau băng từ 8 rãnh và 4 rãnh với những cải tiến mạnh về tính năng tự động quay và chất lượng ghi âm. Băng được chạy trong một chiếc đài cát xét nhỏ gọn, có thể di chuyển dễ dàng. Thời kỳ đó, người ta rất thích để đài cát xét trong xe ô tô, vừa di chuyển, vừa nghe nhạc. Ngoài ra, băng cát xét lúc đó còn đảm nhiệm chức năng lưu trữ thông tin. Một dây băng cát xét có thể chạy tự động từ lõi này sang lõi khác và tự đảo chiều, không cần người nghe phải “mó tay” vào.
Lúc này, giá thành của băng đã rất rẻ và mức độ tiện dụng của băng cát xét đã đánh bật đĩa than, dù so về chất lượng âm thanh thì đĩa than vẫn luôn là đỉnh cao không sản phẩm nào vượt nổi.
Đĩa nén (Compact Disc)
Đĩa nén hay còn gọi là CD là những đĩa nhựa được dùng để nén thông tin dưới dạng số hóa. Có rất nhiều loại CD với những tính năng khác nhau như CD-ROM để lưu trữ thông tin, VCD để lưu trữ hình ảnh, âm thanh... Đĩa nén và đầu đĩa (CD player) bắt đầu xuất hiện trên thị trường từ tháng 10/1982. Vì tính năng hiệu quả của CD, nó còn được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghệ thông tin với các đĩa chạy chương trình phần mềm trên máy vi tính. Giai đoạn từ năm 2004-2007 chứng kiến thời kỳ cực thịnh của CD với hàng tỉ đĩa được phát hành trên toàn thế giới.
Năm 2000, các nhà sản xuất xe ô tô bắt đầu thay máy nghe nhạc lắp trên ô tô từ dạng máy cát xét sang máy nghe đĩa CD, góp phần gia tăng thành công của ngành sản xuất CD trên toàn cầu. Tuy vậy, với các công nghệ kỹ thuật số mới xuất hiện như tính năng download, USB lưu trữ dữ liệu, flash driver..., đĩa CD đã mất đi tới 50% thị phần trên thị trường âm nhạc so với thời hoàng kim của nó. Giờ đây, đĩa CD chỉ chiếm 4% trong số các hình thức sản phẩm âm nhạc phát hành trên thị trường.
iPod
Ngày 23/11/2001, iPod đầu tiên xuất hiện trên thị trường, nó là máy nghe nhạc nén của hãng Apple. iPod có giao diện đơn giản. Thời kỳ đầu, có một số loại iPod lưu giữ dữ liệu trên đĩa cứng gắn liền, các loại iPod thế hệ sau sử dụng bộ nhớ flash với kích thước ngày càng nhỏ gọn. iPod còn có thể làm thiết bị lưu trữ dữ liệu khi gắn vào máy tính với dung lượng đa dạng từ 2-160 GB tùy loại. Có loại iPod màn hình đơn sắc và có nhiều loại chất lượng cao sử dụng màn hình màu.
Tháng 1/2006, iPod được cải tiến có thể chơi video, đáp ứng nhu cầu giải trí thời thượng của giới trẻ và trở thành máy nghe nhạc nén phổ biến nhất. iPod có phần mềm (iTunes) để truyền nhạc, hình ảnh, video, tạo thư viện, có thể sao chép nhạc từ CD và còn làm thành đĩa cứng bên ngoài. Tháng 2/2006, iPod là máy nghe nhạc số phổ biến nhất ở Mỹ, với thị phần chiếm hơn 70% với 42 triệu máy được bán ra.
iPhone
iPhone cũng là mẫu điện thoại di động của hãng Apple. Phiên bản iPhone đầu tiên ra đời tháng 6/2007. Bên cạnh tính năng của một máy điện thoại thông, iPhone còn được trang bị màn hình cảm ứng, máy chụp hình, máy nghe nhạc, máy chiếu phim, trình duyệt web... Phiên bản thứ hai là iPhone 3G ra mắt tháng 7/2008, được trang bị thêm hệ thống định vị toàn cầu (GPS) và mạng 3G tốc độ cao (HSDPA).
iPhone 3GS được công bố ngày 8/6/2009 với hiệu năng của máy được nâng cao (S trong 3GS nghĩa là Speed - Tốc độ) với bộ vi xử lý tốc độ 600 MHz (gấp gần 1,5 lần so với iPhone 3G), bộ nhớ trong lên đến 32 GB, máy ảnh số 3.15 Mp, tích hợp la bàn số và hàng loạt tính năng đáng giá được nâng cấp khác như tốc độ Wi-Fi, thời gian dùng pin...
iPhone 4 ra đời tháng 6/2010. Trong phiên bản này iPhone đã được thiết kế lại, có chức năng quay phim HD, màn hình Rétina trong và nhuyễn hơn gấp 4 lần so với các màn hình đời trước và chức năng FaceTime (gọi và thấy người gọi qua Wi-Fi).
Kể từ đây, nghe nhạc chỉ còn là một tính năng tích hợp trong các thiết bị kỹ thuật số công nghệ cao, bên cạnh rất nhiều tính năng đa dạng khác.
iPad
iPad là máy tính bảng do hãng Apple phát triển, được công bố vào ngày 27/1/2010, thiết bị này tạo ra một sản phẩm mới giao thoa giữa điện thoại thông minh và máy tính xách tay. iPad có màn hình lớn, cảm ứng đa điểm, sử dụng đèn led chiếu sáng 9.7 inch, bộ nhớ flash 16 tới 64 GB, BlueTooth 2.1... Đây là thiết bị đầu tiên của Apple khai thác dịch vụ iBookstore cũng như ứng dụng đọc sách iBooks. Tính năng nghe nhạc lúc này chỉ là một trong rất nhiều tính năng đa dạng khác của iPad.
Hồ Bích Ngọc
0 nhận xét:
Đăng nhận xét