Chào Mừng Bạn Đến Với "Trung Tâm Đào Tạo Âm Nhạc & Nghệ Thuật Hoàng Gia" Điểm đến của mọi người yêu thích âm nhạc và nghệ thuật, nơi đào tạo và huấn luyện những tài năng nhí phát triển nghệ thuật và âm nhạc - Hotline : 0902641618

Thứ Hai, 20 tháng 4, 2015

Bàn về giáo dục âm nhạc cho trẻ - Học nhạc cho trẻ em


Bàn về giáo dục âm nhạc

Để giúp phụ huynh có một cái nhìn tổng thể về giáo dục âm nhạc, có lẽ bài viết về giáo dục âm nhạc trên tạp chí Nhịp cầu đầu tư các đây vài năm của tôi phần nào giải đáp những thắc mắc của quý vị. Đây không phải là một bài báo nghiên cứu khoa học nhằm chứng minh một quan điểm hay một luận thuyết nào, đơn giản, nó chỉ là một tổng quan các hiện tượng được quan sát từ thực tiễn hoạt động giáo dục âm nhạc của cá nhân người viết, với mục đích chia sẻ với những bạn đọc đang đầu tư, hoạt động hoặc quan tâm đầu tư trong lĩnh vực này.

Âm nhạc quan trọng đến đâu?

Tầm quan trọng và ảnh hưởng của âm nhạc đổi với con người đã được đề cập chi tiết từ cách đây hơn 2300 năm trước bởi các triết gia Hy Lạp lừng danh như Plato, Aristotle, Socrates và trước cả họ, là đức Khổng Tử tại Trung Quốc. Là những triết gia, chính trị gia, nhà giáo, nhà hoạt động xã hội, họ đã nhận ra sức ảnh hưởng của âm nhạc, tiêu cực hay tích cực tùy theo hình thái âm nhạc, đến sự hình thành và phát triển của từng cá nhân cho đến diện rộng hơn là toàn xã hội và nhà nước.

Gần đây nhất là John Sykes, giám đốc phát triển của MTV Networks của Mỹ, khi ông nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục âm nhạc cho trẻ em. Theo ông, đây là một yếu tố tối cần thiết cho việc phát triển nguồn lực quốc gia. Nếu những quan điểm trên là đúng thì hiển nhiên, việc quan tâm tới giáo dục âm nhạc cho con cái rõ ràng là một trách nhiệm cụ thể đối với các bậc làm cha mẹ và của cả xã hội.
    
Một đầu tư tốn kém, ít hiệu quả? 

Tại Việt Nam, người ta học hoặc cho con học đàn vì nhiều lý do nhưng tựu chung các phụ huynh khi lần đầu tiếp xúc với giảng viên âm nhạc đại khái thường bày tỏ mong muốn rằng con cái của họ sẽ có một đời sống tinh thần phong phú hơn thông qua việc học đàn. Hiển nhiên so với các hình thức đầu tư khác thì đầu tư vào giáo dục âm nhạc khó tính được đầu ra bởi từng cá nhân đều có những chuẩn đánh giá rất khác biệt tùy quan niệm, mục đích. Kết quả có được cũng không thể quy ra “thóc”. Nhẹ thì ít hiệu quả, nặng hơn là lỗ và mất trắng.

Đa số chủ đầu tư ngán ngẩm nhận ra rằng việc để thực sự có một kỹ năng chơi đàn thì quỹ thời gian đầu tư không thể tính bằng tháng, mà là năm, vài năm cho đến nhiều năm. Nhiều người đã nản lòng khi thấy con họ không có hoặc mất đi hứng thú sau một giai đoạn đeo đuổi tập tành vô vọng. Việc thiếu vắng sự tư vấn đầy đủ và chính xác, cũng như một môi trường và phương pháp học tốt là một trong rất nhiều nguyên nhân. Đây là một vấn đề rất lớn, việc đi vào chi tiết sẽ phải dành vào một dịp khác.

Nói như vậy thì câu hỏi được đặt ra tiếp theo là việc đầu tư vào giáo dục âm nhạc là không sinh lợi khi quá tốn kém về thời gian và không đem lại kết quả? Hãy làm một phép so sánh. Để có một nền tảng kiến thức cơ bản từ các môn tự nhiên như toán, lý, hóa cho đến các môn nhân văn như lịch sử, văn học, địa Lý vvv..., tất cả chúng ta đều phải trải qua 12 năm mài đũng quần trên ghế nhà trường để rồi.... quên gần hết trừ phi đi vào chuyên ngành có liên quan ở bậc đại học.

Nếu đặt âm nhạc vào trong tương quan trên thì việc phải có một quãng thời gian nhất định cho đào tạo là một tất yếu. Lý do duy nhất cản trở việc đưa việc dạy đàn vào chương trình của trường phổ thông là cấu trúc đào tạo một thầy-một trò. Vì thế, các kiến thức âm nhạc trong các trường phổ thông chỉ được giảng dạy ở mức tổng quan, sơ bộ, nặng về lý thuyết trên cơ sở phổ cập cho số đông. Hạn chế của hình thức giảng dạy âm nhạc cho đa số này có thể thấy ngay ở các trận thi đấu bóng đá quốc tế của đội tuyển Việt Nam, khi chúng ta luôn hát trượt nhịp Quốc Ca Tiến Quân Ca vào đoạn cuối “Cùng tiến lên, cùng tiến lên” vì không nghỉ đủ số phách giữa hai câu.

Sức lôi cuốn của âm nhạc

Đôi khi những liên tưởng đến khối lượng thời gian bỏ ra cho việc rèn luyện mà những người hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp thường nói tới khiến người có ý định học nản lòng. Cái được gọi là “hy sinh vì nghệ thuật” có lẽ cũng chưa được hiểu và diễn đạt một cách đầy đủ, chính xác. Hành động nào được gọi là một sự hy sinh? Nếu coi hy sinh là việc từ bỏ một quyền lợi cá nhân vì ai hay một mục đính cao cả nào đó thì rõ ràng ở đây ta chẳng thấy ai hy sinh vì ai hay vì cái gì cả! Mặt khác thì việc đi làm một ngày tám tiếng ở những lĩnh vực khác sẽ được coi là gì? Đó là còn chưa tính đến những lúc tăng ca hoặc ngoài giờ.

Phải chăng các nghệ sĩ chuyên nghiệp miệt mài rèn luyện vì chính sự thỏa mãn nào đó mà âm nhạc đem lại cho họ. Phải chăng nên gọi đó là sự thụ hưởng và niềm đam mê mà họ không từ bỏ được? Như vậy, nên chăng ta cũng thay đổi quan điểm “khổ luyện” bằng “sướng luyện”?  không cần là đức Phật Tổ Như Lai, bạn cũng có thể nhận ra rất nhiều hình ảnh của cái “khổ” diễn ra hàng ngày trong xã hội, ngay bên cạnh chúng ta. Hành trình hướng đến cái đẹp không thể được coi là “khổ”!

Theo thiển ý cá nhân, có lẽ âm nhạc, với đặc thù tiết tấu, làn điệu và hòa âm, là một phương tiện hữu hiệu và gần với bản chất tự nhiên của con người nhất để giúp mỗi cá nhân có thể thăm dò khám phá những góc cạnh và chiều sâu cảm xúc trong tâm hồn mình, qua đó có một nhận thức sâu sắc hơn về chính họ. Nhiều bạn bè đồng nghiệp của tôi trong dòng nhạc cổ điển đã không thể trả lời được một cách rõ ràng câu hỏi vì sao họ phải vẫn say mê luyện tập một tác phẩm đã được viết từ hàng trăm năm trước, đã được hàng ngàn, hàng trăm ngàn người trình tấu trong quá khứ cũng như trong tương lai? Đâu là sự sáng tạo cá nhân trong một cấu trúc chặt chẽ, hết sức khắt khe?

Tôi luôn nói với các học trò của mình rằng mỗi một tác phẩm là một tấm gương. Nó khách quan và luôn phản chiếu chính xác những gì được soi vào. Tâm hồn bạn sẽ được soi rọi trong quá trình học, tập luyện một tác phẩm. Học âm nhạc chính là học về chính mình. Như vậy việc chơi một nhạc cụ là một hoạt động mang tính phương tiện, “way to go”, còn mục tiêu tối hậu, “where to go”, là một hành trình nhận thức và chiêm nghiệm về bản thân thông qua những cảm xúc mà âm nhạc đem lại.

Và vì thế, với người yêu nhạc, những giây phút gặp gỡ âm nhạc luôn là những thời khắc được trân trọng. Như Triết gia Đức Friedrich Nietzsche từng nói “Không âm nhạc, cuộc sống là một sai lầm”. Qua âm nhạc người trình tấu có thể phó thác tâm trạng, tư duy hay bước vào những cuộc đối thoại bất tận của cảm xúc với các nhạc sĩ qua những tác phẩm âm nhạc bất hủ. Một thế giới đẹp đến phi thực luôn chờ đợi để hiện lên sống động khi được chạm vào, khiến những ai từng trải nghiệm luôn muốn trở lại để chiêm ngưỡng, thụ hướng.

Được giáo dục âm nhạc là quyền mọi người
  
Nói đến đây thì hình như chúng ta đã đến gần hơn mục tiêu và ý nghĩa của giáo dục âm nhạc. Lợi ích có được từ quá trình rèn luyện kỹ năng học chơi một nhạc cụ cũng được nhiều nghiên cứu nghiêm túc đề cập đến như: học nhạc giúp tăng cường trí thông minh, xây dựng tính kỷ luật, sự tự giác, tính chi tiết và khả năng tự giảm stress v.v.v. Đồng thuận với nhận định này không có nghĩa là phủ định tính ưu việt của các bộ môn khác trong việc rèn luyện và hình thành nhân cách. Có lẽ vì âm nhạc là một chất xúc tác mạnh của cảm xúc và quá trình học có một chút hình ảnh của “khổ luyện” nên có năng lực thúc đẩy quá trình hình thành các tính cách tích cực nhanh hơn?

Điều băn khoăn của nhiều phụ huynh là “không biết cháu có năng khiếu âm nhạc để học hay không?”. Nói như vậy thì nếu không có năng khiếu chơi tennis sẽ không được phép cầm vợt vì sẽ không trở thành Peter Sampras? không có tổ chất của Tiger Wood thì không được phép chơi golf? Một suy nghĩ thường gặp khác của phụ huynh là “Cho cháu học cho vui chứ không có ý định theo nghề và trở thành nhạc công chuyên nghiệp”. Ai bắt chúng ta trở thành sử gia khi học lịch sử ở trường? Khái niệm “học cho vui” thoạt nghe đơn sơ nhưng đó lại là mục đích chân chính. Hạnh phúc của đời người là gì nếu không phải là vui sống. Thật ra việc học nhạc và đàn cũng không khó hơn việc học các môn khác.Việc học nhạc không nên bị đối xử một cách e dè như vậy trong khi nó cần được coi là một quyền lợi tất nhiên của mỗi người.

Nhiều phụ huynh cũng bày tỏ sự luyến tiếc rằng họ đã không được hoặc không được học nghiêm túc lúc còn bé. Rõ ràng nhu cầu của việc chơi được một nhạc cụ càng trở nên rõ rệt hơn sau những trải nghiệm sống và họ đã ý thức được cụ thể hơn vài trò của âm nhạc trong đời sống thường nhật của con người. Chúng ta đều biết giá trị của thời gian. Đó là thứ mà chúng ta không bao giờ tìm lại được. Niềm hạnh phúc của bậc làm cha mẹ khi lắng nghe con chơi đàn và nhận thấy sự tiến bộ của con là một phần thưởng quý giá cho những nỗ lực đầu tư của họ. Họ đã tặng được cho con mình một món quà có giá trị bền vững của cuộc sống.

Nền tảng của phát triển bền vững

Đầu tư mạnh vào giáo dục âm nhạc & nghệ thuật là một xu hướng rất rõ rệt ở tất cả các quốc gia châu Á có nền kinh tế phát triển. Các phòng hòa nhạc và học viện âm nhạc trở thành biểu tượng của các thành phố lớn. Khởi đầu từ Nhật Bản, Hàn Quốc, nối tiếp bởi Hồng Kông, Đài Loan, Singapore, Trung Quốc và nay là tất cả các quốc gia Đông Nam Á có nền kinh tế năng động, bùng nổ. Ở đó, giáo dục âm nhạc gần như đã trở thành thông lệ. Ngay ở một cộng đồng người Hàn tại Phú Mỹ Hưng ta cũng có thể thấy rõ ý thức đầu tư vào giáo dục âm nhạc của họ.  

Trong số 81 thí sinh tham dự vòng chung kết giải Piano quốc tế mang tên Chopin năm 2010, có đến 33 thí sinh châu Á. Song song với sự dịch chuyển về quyền lực chính trị và kinh tế từ Tây sang Đông có cả âm nhạc. Theo đánh giá của ông Waldemar Dabrowski, tổng giám đốc của nhà hát opera Warsaw và là người đứng đầu ủy ban tổ chức kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Frederic Chopin, thì có đến 30 triệu thanh thiếu niên đang học piano tại châu Á. 

Một nền tảng văn hóa vững chắc luôn là yếu tố cốt lõi cho việc duy trì phát triển kinh tế và xã hội bền vững. Giáo dục âm nhạc là một bộ phận không thể tách rời của công cuộc xây dựng một nền tảng văn hóa. Qua giáo dục âm nhạc, chúng ta có thể mở ra một cách cửa cho con em tiếp cận với kho tàng văn hóa khổng lồ của nhân loại. Ở đây, định lượng cho một kết quả đầu tư phải được hiểu theo một cách nhìn dài hạn theo chiến lược “thập niên chi kế, mạc như thụ mộc, chung thân chi kế, mạc như thụ nhân” 
Nguồn: sưu tầm

TRUNG TÂM ÂM NHẠC HOÀNG GIA - NGÔI SAO NHỎ


                             Địa chỉ: 61 Đường D5, Phường 25, Quận Bình Thạnh, TPHCM

                             Web: www.amnhachoanggia.edu.vn  

                             Email: amnhachoanggia@gmail.com

                             Hotline: 0989731783 - 0902641618

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Liên Hệ [x]
hotline090 264 1618